Ông Lầu Minh Pó vận động người Mông đưa người chết vào quan tài

Ông Lầu Minh Pó, nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát là người tiên phong, có công đầu vận động người Mông ở Thanh Hóa đưa người chết vào quan tài.

Ông Lầu Minh Pó, là một người con của đồng bào dân tộc Mông, sinh năm 1961 tại xã Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. Hơn ai hết, ông Pó hiểu rõ về văn hóa, phong tục, tập quán của đồng bào mình.

Theo ông Pó, bên cạnh những nét văn hóa bản sắc cần lưu giữ thì người Mông ở Thanh Hóa còn chịu ảnh hưởng của hủ tục trong ma chay, cưới hỏi.

Ông Lầu Minh Pó là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được mời tham dự hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tỉnh Thanh Hoá năm 2023.

Tại hội nghị này, ông Lầu Minh Pó đã có bài phát biểu tham luận về công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt phong trào bảo vệ An ninh Tổ quốc và xây dựng nếp sống văn hóa mới ở cơ sở.

Theo ông Pó, người Mông ở huyện Mường Lát chiếm 44,8% dân số với 8 dòng họ cùng chung sống đoàn kết, tương thân, tương ái với các dân tộc khác từ bao đời nay.

Do trình độ nhận thức của một bộ phận đồng bào Mông trên địa bàn còn nhiều hạn chế, thiếu hiểu biết, cộng với tính tự ti, bảo thủ, không chịu tiếp thu tinh hoa của xã hội nên đời sống của người Mông còn nhiều khó khăn và dễ bị kích động, lôi kéo từ các đối tượng xấu.

Dân sinh - Ông Lầu Minh Pó vận động người Mông đưa người chết vào quan tài

Ông Lầu Minh Pó phát biểu tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc tỉnh Thanh Hoá cuối năm 2023.

Một số hủ tục, tập quán lạc hậu (tục thách cưới, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tang ma kéo dài, mê tín dị đoan, ốm đau không đi viện để chữa bệnh chỉ tin vào thầy cúng, bùa ngải... ) vẫn còn tồn tại trong đời sống sinh hoạt của người Mông. Nó kéo lùi sự phát triển của đồng bào. Những hủ tục này khiến người Mông đã đói nghèo, lạc hậu lại càng khó khăn, vất vả hơn.

Là người con ưu tú của đồng bào Mông, sinh sống và làm việc trên chính mảnh đất quê hương Mường Lát. Từ khi còn làm thầy giáo cho đến khi trở thành cán bộ chủ chốt ở huyện, ông Pó luôn trăn trở, suy nghĩ phải làm sao để thay đổi thực trạng đáng buồn trên. 

Theo ông Pó, một trong những vấn đề nhức nhối kéo dài trong đồng bào người Mông đó là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Nó khiến cho người Mông không theo kịp các tộc người khác cả về đời sống vật chất và tinh thần. Tuy nhiên, nếu chỉ tuyên truyền một chiều để thay đổi nhận thức của đồng bào là việc làm rất khó.

Sau nhiều đêm suy nghĩ, ông Pó chọn tuyên truyền cho người thân và đồng bào mình bằng cách so sánh hôn nhân cận huyết với giống ngô, giống lúa ... Nếu phụ nữ và đàn ông kết hôn với nhau khi chưa đủ tuổi theo pháp luật quy định thì cũng giống như bông lúa chưa chín, chưa khô vàng, đang còn tươi xanh thì khi gieo trồng sẽ không nảy mầm hoặc nảy mầm sẽ yếu ớt.

Đến nay, vấn nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết trong cộng đồng người Mông ở Mường Lát đã từng bước được thay đổi, đẩy lùi.

Thành công nhất của ông Lầu Minh Pó là đã tuyên truyền, vận động là làm thay đổi nhận thức để người Mông để họ đưa người chết vào quan tài và rút ngắn thời gian làm lễ cúng, tế người quá cố.

Dân sinh - Ông Lầu Minh Pó vận động người Mông đưa người chết vào quan tài (Hình 2).

Người Mông đã đưa người chết vào quan tài chôn cốt, rút ngắn thời gian cúng tế xuống 2-3 ngày.

Ông Pó cho hay, từ tháng 2/2013 trở về trước người Mông ở Mường Lát duy trì tục lệ, khi có người chết làm đám tang kéo dài từ 5-7 ngày. Thi thể người đã chết không bỏ vào quan tài mà để trên cáng, treo ở góc nhà.

Người Mông quan niệm đưa người chết vào quan tài thì linh hồn sẽ không về được với tổ tiên và bị tổ tiên trách phạt, cả dòng họ, bản làng gặp tai ương, lụi bại.

"Việc treo người chết trong nhà rất mất vệ sinh. Tôi sinh ra là người con của bản Mông nên luôn bị ám ảnh bởi những đám tang ở địa phương. Có những đám ma để 7 ngày, thi thể người quá cố bốc mùi, con cháu sau này nghĩ đến đám ma là sợ", ông Pó nói.

Người Mông luôn quan niệm khi bố mẹ mất, các con trai trong nhà phải đóng góp mỗi người một con trâu hoặc bò để làm lễ cúng. Có gia đình 5-7 anh, em trai thì phải đóng góp trâu bò, tổng chi phí đám ma từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.

"Nhiều nhà không có tiền buộc phải đi vay, mượn để mua trâu, bò. Sau đám tang, họ lâm cảnh nợ nần, đi làm vài năm sau còn chưa trả hết nợ. Không chỉ lãng phí mà còn rất mất vệ sinh, trong nhà người quá cố bốc mùi vì treo quá lâu ngày, con cháu ở bên ngoài lại ăn uống say sưa", ông Pó cho biết thêm.

Năm 2005, dù làm tới chức Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Mường Lát, nhiều lần ông Pó cố gắng tuyên truyền xóa bỏ hủ tục tang ma nhưng đồng bào chưa nghe và làm theo.

Tháng 3/2013, khi người chú ruột là ông Lầu Chứ Dơ (65 tuổi) ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát qua đời, ông Pó thuyết phục người thân đưa thi thể người chết vào quan tài. Tuy nhiên, việc này vấp phải sự phản đối quyết liệt của người thân, dòng tộc.

Ông Pó suy nghĩ, nếu mình không thuyết phục được người thân xóa bỏ hủ tục thì sau này vận động đồng bào Mông sẽ rất khó. Bằng nhiều cách vận động, tuyên truyền, cuối cùng ông Pó thuyết phục được người thân đưa thi thể ông chú vào quan tài để mai táng.

“Sau tang của ông Dơ cả họ Lầu lo sợ “lời nguyền”, có người nói tôi sẽ gặp nhiều điều không may mắn, tôi sẽ bị con ma bắt đi…”, ông Pó chia sẻ.

Ngày tháng trôi qua, gần 10 năm nay ông Pó và người thân trong dòng họ Lầu vẫn khỏe mạnh. Đây là “bằng chứng sống” để người Mông thay đổi nhận thức, bãi bỏ hủ tục trong ma chay.

Theo ông Pó, ngoài việc vận động tuyên truyền, Đề án "Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa" vào năm 2013 đã giúp người Mông xóa bỏ dần các hủ tục. Mỗi khi có người chết đưa vào quan tài thì gia chủ được Nhà nước hỗ trợ 8 triệu đồng (3 triệu mua con heo, 5 triệu mua quan tài). Đến nay, mỗi khi có người thân quan đời, người Mông đã đưa vào quan tài mai táng, lễ cúng chỉ kéo dài 2 - 3 ngày.

Ngoài ra, thời gian qua, ông Lầu Minh Pó còn luôn tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp các lực lượng chức năng trên địa bàn thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân trong bản nâng cao ý thức phòng chống tội phạm, giáo dục con em, người thân trong gia đình, dòng họ mình không phạm tội, chăm lo lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, hòa giải triệt để nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nội bộ nhân dân không để xảy ra mất an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, ông Lầu Minh Pó là người đầu tiên của đồng bào Mông thực hiện thay đổi thủ tục tang ma, đưa người chết vào quan tài để an táng, rút ngắn thời gian cúng tế từ 5-7 ngày xuống còn 2-3 ngày. Nhờ đó mà đến nay, 100% người Mông trên địa bàn đã xóa bỏ hủ tục và đã đưa người chết vào quan tài mai táng.