Bộ Y tế làm gì để sớm đưa Luật Khám chữa bệnh sửa đổi vào cuộc sống?

Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, ngành quyết tâm ban hành các thông tư hướng dẫn sớm nhất, nhanh nhất để Luật được triển khai thực hiện đồng bộ nhất từ 1/1/2024.

Sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện

Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 9/1/2023 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2, đánh giá về việc Quốc hội thông qua dự án Luật này, tại tọa đàm “Ngành y vượt khó” sáng 23/2, GS.TS Trần Bình Giang– Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ông cũng như đội ngũ y bác sĩ rất vui khi Quốc hội đã thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/1/2024.

Theo GS.TS Trần Bình Giang, trong nội dung Luật có rất nhiều điểm thay đổi để hướng tới hoạt động của các cơ sở y tế được tốt hơn, thông thoáng hơn, phục vụ tốt việc chăm sóc người bệnh.

“Tuy nhiên, tôi được biết, ý định của Ban soạn thảo cũng như Quốc hội muốn đây là luật mở và có tác dụng lâu dài, không quy định lĩnh vực cụ thể.

 Cho nên có nhiều điều luật ghi "Chính phủ quy định chi tiết thi hành điều luật này", nghĩa là chúng ta cần có những văn bản dưới luật như Nghị định, Thông tư cụ thể hóa để luật đi vào cuộc sống”, ông Trần Bình Giang nêu quan điểm.

Theo lãnh đạo Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thời gian còn lại không nhiều, chỉ còn chưa đến 10 tháng để có thể ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật để thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Vì vậy, ông rất mong có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền. Trong đó, Bộ Y tế là cơ quan chủ đạo, cùng các bộ, ngành khác ban hành các văn bản, Nghị định, Thông tư để từ 1/1/2024, Luật sẽ đi vào cuộc sống.

Từ đó, giúp các thầy thuốc, nhân viên y tế và cơ sở y tế trong toàn quốc có hành lang pháp lý chuẩn mực để có thể thực hiện nhiệm vụ của mình.

Tiêu điểm - Bộ Y tế làm gì để sớm đưa Luật Khám chữa bệnh sửa đổi vào cuộc sống?

Giám đốc BV Hữu nghị Việt Đức, BV Bạch Mai đều mong sớm có văn bản, Nghị định, Thông tư để Luật đi vào cuộc sống.

Đồng tình với ý kiến GS.TS Trần Bình Giang, GS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu quan điểm, Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi vừa qua có cả mộtchương về công tác tài chính của bệnh viện. Đây là một trong những điểm thành công nhất của ban soạn thảo và đã được Quốc hội thông qua.

Trước đây, tất cả các cơ chế hoạt động trong hệ thống khám chữa bệnh của chúng ta vướng rất nhiều về cơ chế tài chính và lần này chúng ta dành một chương trong Luật.

Ông cũng nhất trí với GS.TS Trần Bình Giang là Luật lần này mở và giao nhiệm vụ cho Chính phủ và các cơ quan, bộ, ngành soạn thảo các thông tư, nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, những bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức và những bệnh viện lớn chịu ảnh hưởng cực kỳ lớn khi chính sách thay đổi, nếu chính sách tốt thì tác động tốt và nhanh, còn nếu không phù hợp thì sẽ tác động theo chiều ngược lại.

“Chúng tôi mong trong quá trình xây dựng Thông tư, Nghị định, tất cả cơ quan chức năng, các bộ, ngành liên quan vào cuộc nhanh chóng để có các văn bản pháp quy hướng dẫn Luật được thực hiện chuẩn mực. Tôi cũng mong có những quy định về giá khám chữa bệnh tại các đơn vị sự nghiệp công lập. Hiện tại, đối với khám bệnh theo yêu cầu mỗi nơi thực hiện một giá. Tôi nghĩ những thông tư này có thể xây dựng sớm hơn và xin ý kiến các bộ, ngành, Chính phủ để ban hành sớm hơn, giúp các bệnh viện công lập có cơ sở pháp quy để thực hiện đúng luật”, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai nêu ý kiến.

Đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp với ngành

Cho ý kiến về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa qua là tiếp tục thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Tiêu điểm - Bộ Y tế làm gì để sớm đưa Luật Khám chữa bệnh sửa đổi vào cuộc sống? (Hình 2).

Các khách mời chia sẻ về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.

Cùng với đó, thể hiện tinh thần lấy người bệnh làm trung tâm trong mọi hoạt động, trong khám chữa bệnh để trên cơ sở đó tạo điều kiện cho người bệnh tiếp xúc dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiếp tục thực hiện xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức dịch vụ y tế. Vấn đề xã hội hóa trong dịch vụ y tế hết sức quan trọng để làm sao người bệnh tiếp cận một cách công bằng các dịch vụ y tế tại cơ sở y tế công lập và ngoài công lập; bảo đảm cơ chế quyền của người bệnh và gắn với trách nhiệm của cơ sở khám chữa bệnh.

Ngoài ra, trong luật thể hiện được là tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, đặc biệt bây giờ chúng ta đang thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tiếp theo là bảo đảm tính hợp hiến, hợp nhất và đồng bộ, khả thi, phù hợp với chuẩn mực quốc tế trong khám chữa bệnh và bảo đảm bình đẳng giới.

“Sau khi Luật được ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2024, Bộ Y tế đã và đang tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ ban hành các văn bản cụ thể hóa Luật. Đồng thời, Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch ban hành các thông tư hướng dẫn đồng bộ với Luật, với Nghị định của Chính phủ.

Để sớm đưa Luật vào cuộc sống, không chỉ riêng Bộ Y tế, tôi trân trọng đề nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để tham mưu cho Chính phủ sớm banh hành các nghị định, quy định. Với trách nhiệm phía Bộ Y tế, chúng tôi quyết tâm ban hành các thông tư hướng dẫn sớm nhất, nhanh nhất để Luật được triển khai thực hiện đồng bộ nhất từ 1/1/2024”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh thêm.

Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được thông qua nhằm cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục những hạn chế, bất cập, giải quyết những vấn đề mới phát sinh để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân theo định hướng công bằng, chất lượng, hiệu quả, phát triển và hội nhập quốc tế; tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trật tự, kỳ kỷ luật của quản lý nhà nước về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Dự án Luật được xây dựng dựa trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân.

Đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như quyền của người hành nghề, của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gắn với trách nhiệm của người bệnh và thân nhân người bệnh.