Viện kiểm sát nói gì việc cựu Chủ tịch Vimedimex 'tố' 20 bút lục bị làm giả?

Trước việc bị cáo Nguyễn Thị Loan, cựu Chủ tịch Vimedimex cho rằng bị truy tố oan, có 20 bút lục bị làm giả, đại Viện kiểm sát khẳng định, những tài liệu này đều có chữ ký của bị cáo, nên không thể nói là giả.

Ngày 19/4, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Thị Loan (Chủ tịch Công ty Cổ phần Dược phẩm Vimedimex tiếp tục phần tranh luận.

Trước đó, nêu quan điểm luận tội, đại diện Viện kiểm sát phân tích, bà Loan và các đồng phạm thông đồng, "dìm giá" khởi điểm đất đấu giá ở thôn Tiên Dương, từ 500 tỷ đồng xuống còn 284 tỷ đồng.

Bị cáo Loan sau đó đưa 3 doanh nghiệp thuộc hệ thống của mình đi đấu giá để "công ty nào trúng đấu giá, dự án vẫn thuộc về Loan". Hành vi này bị cho đã gây thiệt hại 135 tỷ đồng nhưng hiện đã khắc phục hết. Viện kiểm sát do đó đề nghị tòa tuyên tất cả 11 bị cáo trong vụ án tù treo.

Dù với đề nghị án này, bà Loan vẫn khẳng định bản thân bị vu khống, kết tội oan; hồ sơ vụ án có khoảng 20 bút lục bị làm giả… khi bà chịu tạm giam, có người làm giả phiếu thu chi, tài liệu liên quan.

Khi bào chữa, luật sư của bị cáo Nguyễn Thị Loan nêu quan điểm, việc bắt giữ thân chủ của ông vào 23h ngày 29/11/2021, tại nhà riêng là có dấu hiệu "vi phạm nghiêm trọng" thủ tục tố tụng. Quá trình khám xét nơi ở và nơi làm việc của bị cáo Loan tại trụ sở Vimedimex cũng không có mặt bị cáo hoặc người đại diện theo pháp luật của công ty. Một nhân viên của Vimedimex có ký vào hồ sơ niêm phong...

Viện kiểm sát nói gì việc cựu Chủ tịch Vimedimex 'tố' 20 bút lục bị làm giả?- Ảnh 1.

Luật sư Dương Đình Khuyến, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Loan.

Cùng bào chữa cho bà Loan, luật sư Dương Đình Khuyến (Công ty Luật Hoàng Đàm) nêu quan điểm, vụ án có dấu hiệu "bỏ lọt tội phạm", bởi sai phạm trong việc xác định giá khởi điểm của khu đất thuộc về đơn vị tư vấn thẩm định giá, người có tài sản bán đấu giá và cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giá khởi điểm. Việc này không phải trách nhiệm của các bên tham gia đấu giá là 3 công ty Bắc Từ Liêm, Công ty Mỹ Đình, Công ty Thanh Trì hoặc tác động từ bị cáo Nguyễn Thị Loan.

Vẫn theo luật sư, cơ quan tố tụng lấy mốc thời gian là tháng 10/2020 (thời điểm phát hành chứng thư thẩm định giá) để xác định thiệt hại từ vụ án nhưng thực tế đến tháng 11/2020 cuộc đấu giá mới diễn ra. Trách nhiệm về những thiệt hại trong vụ án phải thuộc về những người có thẩm quyền trong việc xác định giá khởi điểm không đúng giá thực tế.

Trước đó, cáo trạng của Viện kiểm sát xác định, một số lãnh đạo UBND TP Hà Nội, Sở Tài chính, Cục Thuế Hà Nội có trách nhiệm trong việc đưa ra mức giá khởi điểm thấp hơn thực tế, dẫn tới thất thoát. Tuy vậy, họ không biết các phiếu khảo sát được lập khống, không được hưởng lợi… nên không bị xử lý hình sự.

Phân tích thêm, luật sư Khuyến cho rằng, các thành viên trong Hội đồng định giá đất Hà Nội mới là những người có thẩm quyền quyết định giá khởi điểm để đấu giá nhưng lại không bị truy cứu trách nhiệm trong vụ án là không phù hợp.

Một luật sư khác đề nghị xem xét trách nhiệm của những cán bộ lãnh đạo liên quan.

Đối đáp với các luật sư tại tòa, Viện kiểm sát khẳng định việc bắt giữ đối với bị cáo Loan là khẩn cấp, được tiến hành đúng pháp luật, việc lấy lời khai bị can ngay sau khi bắt là cần thiết và đây chỉ là lấy lời khai, không phải là hỏi cung. Bộ luật Tố tụng Hình sự chỉ cấm không cho phép hỏi cung vào ban đêm.

Với các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ mà bị cáo Loan nói rằng bị làm giả, theo Viện kiểm sát, những tài liệu này đều có chữ ký của bị cáo Loan, nên không thể nói là giả.

Viện kiểm sát nêu bằng chứng buộc tội

Tại phiên tòa, đa số các bị cáo đều khai nhận hành vi phạm tội của mình, thừa nhận hành vi đúng như bản cáo trạng đã truy tố, đồng tình với quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát tại phiên tòa. Tuy nhiên, có 2 bị cáo kêu oan là bị cáo Nguyễn Thị Loan và Trần Công Tuyên (Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh, Hà Nội).

Đại diện Viện Kiểm sát đã phân tích 2 điều kiện cần và đủ để xác định hành vi thông đồng dìm giá trong hoạt động đấu giá ở vụ án này là cố ý hạ giá, sau đó thông đồng dìm giá dẫn đến thiệt hại vụ án. Cụ thể, để xảy ra hậu quả trong vụ án này phải có “điều kiện cần” là giá khởi điểm thấp hơn thực tế, “điều kiện đủ” là có hành vi thông đồng dìm giá mua giá thấp nhất. Nếu thiếu 1 trong 2 yếu tố này sẽ không dẫn tới thiệt hại trong vụ án.

Theo Viện kiểm sát, thực tế các bị cáo trong vụ án đã thực hiện 2 nhóm hành vi: Hạ giá khởi điểm và thông đồng dìm giá. Quá trình điều tra, bị cáo Loan có 14 lời khai thừa nhận xuất phát từ đề xuất của bị cáo Nguyễn Quang Hưng (Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Thanh Trì) trình phương án đấu giá, các bước để 3 công ty tham gia để trúng đấu giá, bị cáo Loan đã đồng ý và chỉ đạo các cán bộ dưới quyền triển khai thực hiện. Lời khai này cũng đã được xác nhận qua đối chất giữa bị cáo Loan và bị cáo Hưng.

Ngoài ra, công tố viên còn viện dẫn email của bị cáo Loan trả lời email của bị cáo Hưng về việc đồng ý với đề xuất của Hưng và chỉ đạo, chuẩn bị cho công tác đấu giá của 3 công ty (Bắc Từ Liêm, Mỹ Đình, Thanh Trì).

Viện Kiểm sát xác định, động cơ mục đích của nhóm thông đồng 'dìm giá' là trục lợi, thu lời bất chính, phản ánh việc các cá nhân dùng doanh nghiệp tham gia đấu giá mua rẻ đất của Nhà nước. Từ đó, Viện Kiểm sát khẳng định truy tố 11 bị cáo trong vụ án về tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”, “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là đúng.