Tp.HCM: Phẫu thuật thành công ca ung thư thận hiếm gặp

Ngày 13/1, tin từ Bệnh viện Bình Dân, Tp.HCM cho biết, sau 6 giờ phẫu thuật căng thẳng, đã cứu sống người bệnh bị ung thư thận hiếm gặp.

Theo Bệnh viện Bình Dân, trước  đó, ông P.D.A, 62 tuổi, ngụ Lâm Đồng được nhập viện trong bệnh cảnh đau tức vùng hông phải, tiểu nhiều máu cục.

Tại đây, các bác sĩ phát hiện người bệnh có khối bướu thận phải, kích thước lên đến 10cm x 10cm x 8cm (bằng một nắm tay người lớn).

Kết quả sinh thiết dưới hướng dẫn siêu âm cho kết quả, ông A. bị ung thư biểu mô tế bào thận. Bướu đã xâm lấn tĩnh mạch thận phải, xâm lấn màng bụng và bể thận gây thận ứ nước.

Nguy hiểm nhất, chồi bướu đã đi vào tĩnh mạch chủ dưới, lan cao lên đoạn trên gan, nguy cơ đến tim gây tử vong.

Ông cho biết đã có dấu hiệu đau vùng hông lưng phải từ 2 năm trước nhưng lại nghĩ do tuổi già. Khoảng 6 tháng trước ngày nhập viện, ông A. sờ thấy một khối cứng ở vùng hông phải, thường đau tức.

Từ đó, ông nhận thấy cân nặng ngày càng giảm, chán ăn và tiểu máu.

Bệnh viện Bình Dân đã hội chẩn liên chuyên khoa, liên viện gồm: Ngoại Niệu, Tim-mạch máu, Gan-Mật-Tụy, Gây mê Hồi sức và ekip phẫu thuật tim của Viện tim Tp.HCM, thống nhất phương pháp phẫu thuật đạt được mức độ an toàn và hiệu quả cao nhất cho người bệnh.

Sức khỏe - Tp.HCM: Phẫu thuật thành công ca ung thư thận hiếm gặp

Các bác sĩ căng não phẫu thuật thành công cho bệnh nhân.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Ngọc Châu, Phó Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, bác sĩ phẫu thuật chính cho trường hợp này chia sẻ: Bệnh viện đã phẫu thuật thành công nhiều trường hợp bướu thận phức tạp....

Đây là trường hợp hiếm gặp đầu tiên cắt thận do ung thư đồng thời mở tĩnh mạch chủ và tâm nhĩ phải lấy chồi bướu với sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể.

Khi mở tĩnh mạch chủ lấy chồi bướu phải kẹp tĩnh mạch chủ gần tim, nguy cơ giảm máu về tim, làm cung lượng tim giảm, gây suy tuần hoàn và có thể tử vong.

Ngoài ra, nếu không kiểm soát tốt đoạn tĩnh mạch chủ gần tim, nguy cơ chảy máu khối lượng lớn sẽ xảy ra, cũng dẫn đến tử vong.

Theo các tài liệu y văn, các trường hợp như ông A. có tỉ lệ tử vong ngay trên bàn mổ có thể lên đến hơn 15%. Tuy vậy, phẫu thuật là “ánh sáng cuối đường hầm” cho người bệnh.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Hồ Khánh Đức, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim-Mạch máu cho biết thêm: “Với các trường hợp chồi bướu còn thấp như ở vùng cửa tĩnh mạch chủ, chúng tôi có thể kẹp đoạn tĩnh mạch chủ phía trên chồi bướu, xẻ tĩnh mạch, lấy trọn chồi bướu.

Ông A. có chồi bướu đã tiến vượt qua đoạn bờ trên gan, nếu kẹp động mạch chủ đoạn trên gan mà không được đảm bảo cung lượng máu đến tim thì người bệnh sẽ suy tuần hoàn, sốc mất máu và tử vong nhanh chóng. Do đó, cần có hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể hỗ trợ trong lúc phẫu thuật”.

Sức khỏe - Tp.HCM: Phẫu thuật thành công ca ung thư thận hiếm gặp (Hình 2).

Bác sĩ thăm khám, tư vấn cho bệnh nhân sau phẫu thuật.

Trong gần 6 giờ đồng hồ, 3 nhóm bác sĩ phẫu thuật thao tác cùng lúc tại phẫu trường ở vùng bụng và tim.

Ê kíp các chuyên gia phẫu thuật niệu mở bụng, bộc lộ thận phải, tĩnh mạch thận; ê kíp phẫu thuật tim mở đường mổ ngực nhỏ, đặt các thiết bị nội soi ít xâm lấn vào tâm nhĩ phải để kiểm soát nguy cơ chồi bướu trôi về tim.

Với sự hỗ trợ của hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể do các đồng nghiệp từ Viện Tim Tp.HCM vận hành, máu từ gan đổ vào tĩnh mạch chủ được bơm vào hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể, để các bác sĩ niệu có thể cắt thận phải cùng bướu, và bác sĩ mạch máu xẻ lấy chồi bướu…

Ca phẫu thuật thành công đã đem lại cơ hội sống cho người bệnh.

Theo ông A., đây như là một lần tái sinh của ông, để có thể đón năm mới bên gia đình, không còn tình trạng đau đớn và tiểu máu nữa.

Các bác sĩ chia sẻ về yếu tố quan trọng góp phần tạo nên thành công lần này là sự phối hợp nhịp nhàng của các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa sâu, tinh thần tích cực chuyên nghiệp của các bộ phận hỗ trợ cùng với sự tin tưởng, hợp tác trong điều trị của người bệnh và người nhà.

Một trong các điểm mạnh để toàn bộ các bác sĩ có thể tự tin bước vào ca phẫu thuật khó là hệ thống trang thiết bị phẫu thuật hiện đại trong đó có hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể.

Nhờ vào hệ thống này, lượng máu lớn trong phẫu trường được hút đi và tái sử dụng, giúp cho bác sĩ có thể quan sát và thao tác phẫu thuật hiệu quả.

Thêm vào đó, cùng với sự hỗ trợ của thiết bị nội soi hiện đại, người bệnh chỉ phải chịu một đường mổ nhỏ ở ngực trái khoảng 5cm thay vì chẻ xương ức như thông thường, giảm nguy cơ viêm phổi và đau đớn về sau.

Người bệnh hồi phục nhanh, chỉ 6 tiếng sau phẫu thuật đã được rút ống nội khí quản và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 7.

Sức khỏe - Tp.HCM: Phẫu thuật thành công ca ung thư thận hiếm gặp (Hình 3).

Ca phẫu thuật thành công nhờ sự phối hợp liên khoa.

Chia sẻ trong buổi tái khám cuối tháng 12/2022, người bệnh cho biết ông đã có thể vận động thoải mái, tham gia phụ một số việc nhẹ tại nhà.

Ông cho biết, so với nhiều người bệnh, ông có tinh thần lạc quan và luôn nỗ lực để hợp tác tốt trong điều trị, đây là bí quyết để chống chọi với bệnh tật của mình.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Châu cho biết thêm: Ung thư thận khi được phát hiện sớm và được can thiệp điều trị triệt để có triển vọng hồi phục rất khả quan và tỉ lệ sống sau 5 năm lên tới hơn 80%.

Khi khối bướu chưa xâm lấn, bác sĩ phẫu thuật có thể tiến hành phẫu thuật cắt thận bán phần, bảo tồn chức năng phần thận lành còn lại cho người bệnh.

Đối với của bệnh nhân A., đến khi phát hiện khối u đã xâm lấn phức tạp nên việc điều trị cũng khó khăn hơn.

Ung thư thận ở giai đoạn đầu thường không có triệu chứng, do đó mọi người nên tầm soát bệnh định kỳ mỗi năm 1 lần bằng siêu âm bụng.

Khi có những triệu chứng bất thường (như đau tức vùng hông lưng, sờ thấy khối gồ lên vùng hông lưng, tiểu máu…), người bệnh cần đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Nguyễn Lành