Quy trình xử lý từ vụ nữ đại gia trốn khỏi bệnh viện tâm thần

Luật sư Mai Thanh Bình phân tích các vấn đề pháp lý liên quan đến việc xử lý người phạm tội bị tâm thần bỏ trốn

Vừa qua, Công an TP HCM ra thông báo truy tìm bà Trần Thị Mỹ Hiền (SN 1963, nguyên Giám đốc Công ty Đất Vàng Hoàng Gia).

Bà Hiền được xác định cùng đồng phạm lừa đảo nhiều khách hàng chiếm đoạt hơn 816 tỉ đồng.

Sau khi Phạm Thị Tuyết Nhung (SN 1981, Giám đốc Công ty Angel Lina và Công ty Đất Vàng Hoàng Gia), Trần Thị Hồng Hạnh (SN 1970, Giám đốc Công ty Hoàng Kim Land) cùng 6 bị can khác bị khởi tố tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì bà Hiền bị bệnh tâm thần.

Bà Hiền được đưa đến Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (Đồng Nai) chữa bệnh bắt buộc theo Quyết định số 01/QĐ-VKS-P3 ngày 10-3-2021 của VKSND TP HCM. Tuy nhiên, quá trình điều trị theo quyết định bắt buộc, bà Hiền bỏ trốn. 

Quy trình xử lý từ vụ nữ đại gia trốn khỏi bệnh viện tâm thần- Ảnh 1.

Bà Trần Thị Mỹ Hiền (áo vàng) lúc chưa bị đưa đi điều trị tâm thần

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, khi có căn cứ cho rằng người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội không có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 21 Bộ Luật Hình sự thì tùy từng giai đoạn tố tụng, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án phải trưng cầu giám định pháp y tâm thần.

Căn cứ kết luận giám định pháp y tâm thần, Viện kiểm sát quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố; Tòa án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử và thi hành án.

Khi có thông báo của thủ trưởng cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần về việc đối tượng đã khỏi bệnh thì cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc ra quyết định áp dụng biện pháp trưng cầu giám định pháp y tâm thần về tình trạng bệnh của đối tượng đó.

Căn cứ kết luận giám định, viện kiểm sát, toà án ra quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

Sau 15 ngày kể từ ngày cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần nhận được Quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh mà cơ quan có trách nhiệm hoặc thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh không đến nhận người đã khỏi bệnh và cũng không có thông tin gì khác thì cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần làm thủ tục xuất viện bình thường cho người bị bắt buộc chữa bệnh.

Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm đến nhận người nhưng không đến hoặc đến không đúng thời hạn nêu trên, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Sau khi có Quyết định đình chỉ thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh, việc phục hồi các hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật có liên quan.

Người bị bắt buộc chữa bệnh trốn khỏi cơ sở chữa bệnh là vi phạm quyết định bắt buộc chữa bệnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Khi đó, cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần phải lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đã đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh và gia đình của người bị bắt buộc chữa bệnh biết.

Đồng thời, báo cho cơ quan công an cấp tỉnh nơi có cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần biết để cùng phối hợp truy tìm, đưa về điều trị cho đến khi khỏi bệnh thì phục hồi các hoạt động tố tụng.