Phó Thủ tướng: Sớm thể chế hóa các chính sách cho xe điện 4 bánh

Dù đã được thí điểm ở nhiều địa phương, nhưng do chưa có quy định cụ thể nên hoạt động của xe 4 bánh chạy bằng điện hoạt động vận tải chở khách còn nhiều bất cập.

Ngày 7/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo, cho ý kiến về việc thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện (xe điện 4 bánh) chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế.

Theo báo cáo của Bộ GTVT, Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định về xe 4 bánh chạy bằng điện và hoạt động vận tải chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế của phương tiện này.

Bộ GTVT, Bộ Công an đã ban hành một số quy định tạm thời về tổ chức, quản lý việc sử dụng xe điện 4 bánh bảo đảm an toàn giao thông và trật tự đô thị; đăng ký, cấp, thu hồi biển số xe.

Đến nay cả nước có 35 địa phương được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm hoạt động đối với xe điện 4 bánh phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế, với 118 đơn vị và 3.488 phương tiện.

Bộ GTVT đánh giá, qua thời gian thực hiện, việc sử dụng xe điện 4 bánh chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế đã cơ bản đảm bảo an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, đồng thời thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm. Tốc độ di chuyển phương tiện thấp nên bảo đảm an toàn khi lưu thông.

Tuy nhiên, loại phương tiện này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí liên quan… đều có khó khăn cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Sự kiện - Phó Thủ tướng: Sớm thể chế hóa các chính sách cho xe điện 4 bánh

Đến nay cả nước có 35 địa phương đã thí điểm hoạt động đối với xe điện 4 bánh phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế (Ảnh: Hữu Thắng). 

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, hoạt động xe 4 bánh chạy bằng điện chở khách tham quan, du lịch trong khu vực hạn chế đã đáp ứng nhu cầu cuộc sống, theo xu hướng giao thông xanh.

Bộ GTVT, Bộ Công an cần sớm tổng kết để thể chế hóa các chính sách, quy định, thực tiễn vào trong Dự thảo Luật Đường bộ, Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, chỉ ra những vướng mắc, tồn tại cần điều chỉnh, khắc phục.

Đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế để bổ sung nội hàm, khái niệm có tính bao quát, dự báo được sự phát triển của các phương tiện giao thông trong tương lai như phương tiện bay, sử dụng trí tuệ nhân tạo, các loại nhiên liệu mới…

"Những gì đã chín, đã rõ, dự báo được thì đưa vào luật, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, các bộ, ngành quy định cụ thể với những trường hợp phát sinh mà chưa thể dự báo", Phó Thủ tướng nói đồng thời nhấn mạnh việc xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với xe điện 4 bánh nên áp dụng nguyên tắc hài hòa, thừa nhận, công nhận theo nguồn gốc xuất xứ, đánh giá chất lượng của loại phương tiện này ở các nước phát triển.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện ngay sau khi Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ được Quốc hội thông qua.

Sự kiện - Phó Thủ tướng: Sớm thể chế hóa các chính sách cho xe điện 4 bánh (Hình 2).

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc làm việc. 

Đối với việc tiếp tục thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh, Phó Thủ tướng yêu cầu các phương tiện phải bảo đảm nguồn gốc xuất xứ, đánh giá chất lượng của các nước phát triển; tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn của Việt Nam.

Các địa phương chịu trách nhiệm cấp phép đăng ký, cụ thể hóa phạm vi hoạt động của xe điện 4 bánh, thực hiện nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ. Người điều khiển phải có giấy phép lái xe theo quy định. Tổ chức, đơn vị đang khai thác, sử dụng, quản lý xe điện 4 bánh phải chịu trách nhiệm về phạm vi hoạt động thực tế của loại phương tiện này.