Ghé thăm làng đá cổ lâu đời Nà Vị, Cao Bằng

Làng đá cổ Nà Vị (Cao Bằng) nơi có những ngôi nhà làm bằng đá với niên đại trên 100 tuổi, đã tạo nên vẻ đẹp cổ kính, yên bình, thu hút đông đảo du khách ghé thăm.  

Làng quê yên bình

Làng đá cổ Nà Vị là ngôi làng tập hợp nhiều căn nhà được xây bằng đá, nằm ở xã Minh Long, huyện Hạ Lang của tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng khoảng 100km. Du khách chỉ cần đi dọc theo con đường rải nhựa từ thị trấn Thanh Nhật thêm một đoạn nữa là đến được làng Nà Vị.

Ngôi làng đá cổ nằm nép mình dưới chân núi, xa xa là những cánh đồng lúa xanh ngát cùng những vườn cây ăn trái trĩu quả, tất cả đã tạo nên bức tranh làng quê yên bình và thơ mộng.

Làng Nà Vị hiện có khoảng 110 hộ dân sinh sống với trên 300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày. Người dân nơi đây đã sinh ra và lớn lên trong những ngôi nhà làm bằng đá có tuổi đời lên đến hàng trăm năm.

Sau bao thăng trầm của lịch sử, làng đá cổ Nà Vị vẫn ở đó, lưu giữ những nét độc đáo trong truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc. Cho đến ngày nay, ngôi làng đã được nhiều người biết đến và ghé thăm mỗi khi đến với tỉnh miền núi Cao Bằng. 

Văn hoá - Ghé thăm làng đá cổ lâu đời Nà Vị, Cao Bằng

Có những ngôi nhà bằng đá ở làng cổ Nà Vị tồn tại hàng trăm năm.

Đối với những du khách lần đầu đặt chân đến làng Nà Vị, chắc chắn sẽ cảm thấy ấn tượng bởi vẻ đẹp cổ kính, nhuốm màu thời gian của nơi đây.

Đường vào làng được lát bằng những khối đá lớn, tạo thành lối đi nhỏ dẫn bước du khách tiến sâu vào bên trong chiêm ngưỡng, khám phá. Đi bộ thong thả trên những con đường đá, dạo bước dưới những tán cây xanh mát, sẽ giúp tâm hồn được tĩnh lại, thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi, bận rộn nơi thành thị. 

Kiến trúc độc đáo 

Những ngôi nhà đá chính là điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp độc đáo của nơi đây. Sự cũ kỹ, cổ kính bao trùm toàn không gian sẽ mang lại cho du khách cảm giác như đang lạc vào thế giới cổ tích.

Trong làng, có khoảng 40 ngôi nhà đá cổ vẫn giữ nguyên vẹn được lối kiến trúc từ khi xây dựng, 50 ngôi nhà giữ được khoảng 60 % kiến trúc cổ. Những ngôi nhà nơi đây được xây dựng theo kiến trúc mái lợp ngói âm dương, khung nhà bằng gỗ, chia rõ các gian phòng khách, phòng nghỉ, phòng bếp; cửa nhà, cửa sổ,... 

Có những ngôi nhà có từ 3 - 4 thế hệ cùng nhau sinh sống. Các cụ cao niên trong làng cho biết, một số ngôi nhà đá có thể có tuổi thọ lên đến 150 năm.

Trong quá trình sử dụng, nếu bị hư hỏng chỗ nào sẽ được người dân sửa chữa lại. Cũng nhờ ý thức giữ gìn đó mà những ngôi nhà đá vẫn tồn tại vẹn nguyên đến ngày nay, mang lại nét đẹp đặc trưng và độc đáo cho vùng quê yên bình. Người dân nơi đây thường sử dụng đá khai thác được từ những ngọn núi xung quanh, cát từ lòng suối, lòng sông để xây dựng nên những ngôi nhà đá đặc biệt, trường tồn vững chãi cùng thời gian. 

Người dân địa phương chia sẻ, để tạo nên một ngôi nhà đá ba gian hoàn chỉnh, thường mất khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm. Những hòn đá, phiến đá được sử dụng với nhiều kích cỡ đa dạng xếp chồng lên nhau và kết dính lại bằng hỗn hợp cát trộn với đá vôi. Phần tường nhà có độ dày khoảng 30cm vô cùng kiên cố và chắc chắn, mang lại không khí mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Mỗi ngôi nhà có chiều cao trung bình từ 7 - 8m. Ngày nay, toàn bộ vật liệu xây dựng những ngôi nhà đá cổ ở làng Nà Vị vẫn được người dân nơi đây gìn giữ và tiếp tục sử dụng.

Văn hoá - Ghé thăm làng đá cổ lâu đời Nà Vị, Cao Bằng (Hình 2).

Ngôi nhà bằng đá vô cùng kiên cố và chắc chắn, mang lại không khí mát mẻ vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

“Mình đã từng đến nơi đây vào mùa xuân, khi đó làng đá Nà Vị chưa phát triển mạnh về du lịch như hiện nay, chưa nhiều người biết đến nên mọi thứ còn khá giản dị và vắng vẻ. Mình đã dành thời gian đi dạo khắp làng, vừa ngắm nhìn các ngôi nhà đá nằm san sát nhau được xây dựng rất độc đáo, vừa chụp ảnh, đồng thời tìm hiểu về cuộc sống hàng ngày của người dân bản địa. Mình rất thích không khí yên bình, cổ kính của nơi đây’’, bạn Nguyễn Huy Toàn, một sinh viên đến từ Hà Nội nói.

Người dân địa phương ở làng đá Nà Vị với nụ cười luôn thường trực trên môi, vui vẻ chào đón khách du lịch. Vào buổi sáng sớm, họ thường ra đồng làm ruộng hoặc lên rẫy trồng ngô, khoai. Buổi chiều nông nhàn, người dân thường ngồi hóng mát trước hiên nhà, quây quần bên nhau trò chuyện về cuộc sống hàng ngày, thư giãn và nghỉ ngơi trước khi trở về nhà nấu cơm tối.

Ở nơi đây, người dân cũng trồng lúa nước, lúa nương, các loại rau màu và nuôi gia súc, gia cầm như trâu, gà, dê… giống như ở nhiều vùng nông thôn khác. Điểm đặc biệt là họ thường sử dụng nguồn nước suối tự nhiên nên nước ở đây rất ngọt và mát. 

Khi đến thăm làng đá cổ Nà Vị, du khách sẽ được chiêm ngưỡng và mặc thử những bộ trang phục truyền thống của người Tày. Người phụ nữ dân tộc Tày thường tự tay dệt vải từ sợi bông, sau đó nhuộm chàm mà không cần thêm hoa văn trang trí. Các sản phẩm dệt thủ công truyền thống được sử dụng trong đời sống như quần áo, chăn màn, võng, địu của em bé, rèm cửa, tay nải, giày vải,..., đồng thời cũng được sử dụng nhiều trong các nghi lễ quan trọng như đám cưới, lễ đầy tháng hay đám tang.

Định hướng phát triển du lịch

Đối với người dân nơi đây, điệu hát Then và đàn tính là một trong những món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày và trong các lễ hội, thể hiện nét văn hóa bình dị, vui tươi. Lời hát cũng được coi như câu hát trao duyên. Nhiều thế hệ người dân địa phương đã lớn lên trong những điệu tính, câu then của bố mẹ, ông bà. Họ hát những khi rảnh rỗi, sau đó truyền dạy lại cho con cháu, để câu hát Then được truyền qua nhiều thế hệ, trở thành nét đẹp văn hóa độc đáo thu hút du khách thập phương.

Văn hoá - Ghé thăm làng đá cổ lâu đời Nà Vị, Cao Bằng (Hình 3).

Người dân tộc Tày còn gắn với điệu hát Then và đàn tính.

Hiện tại, làng đá cổ Nà Vị đang bắt đầu được quy hoạch trở thành ngôi làng du lịch cộng đồng, vừa nhằm mục đích phát triển du lịch, vừa góp phần bảo tồn những ngôi nhà đá trăm năm tuổi và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Cùng với việc xây dựng thêm một số điểm nghỉ chân, ăn uống phục vụ khách du lịch, trong tương lai, làng Nà Vị được kỳ vọng sẽ trở thành một điểm đến thu hút du khách đến nghỉ dưỡng, ngắm cảnh và chụp ảnh check in.

Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Nông Thị Hương - cán bộ xã Minh Long cho biết, hiện nay xã đang có nhiều chính sách khuyến khích người dân địa phương giữ gìn cảnh quan môi trường cũng như cảnh đẹp của từng ngôi nhà để tiến tới làm du lịch cộng đồng. Mục đích là vừa để góp phần bảo tồn nét đẹp văn hóa của nơi đây vừa quảng bá du lịch chung của tỉnh Cao Bằng đến với du khách gần xa, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân.

Đến làng đá cổ Nà Vị du lịch, du khách cũng có thể kết hợp ghé thăm các địa điểm tham quan nổi tiếng khác gần làng như: núi Phia Cao, hang Ngườm Khu, mỏ nước Nàng Tiên, hang Dơi hay đền thờ nàng Tô Thị Hoạn,… Đây đều là những địa điểm check in thú vị, mang đậm tính truyền thống lịch sử, văn hóa chờ đón du khách đến khám phá. 

Kim Thoa