F0 khỏi bệnh có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 46%: Bác sĩ chỉ 4 cách phòng ngừa hiệu quả

Theo hai nghiên cứu mới công bố, các bệnh nhân COVID-19 khỏi bệnh có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường cao hơn 46% trong vòng một năm sau khi dương tính với COVID-19.

Một nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu từ Bộ Cựu chiến binh Mỹ để theo dõi hơn 181.000 người trưởng thành mắc COVID-19 trong vòng một năm sau khi có kết quả dương tính.

Sau đó, các nhà khoa học đã so sánh những bệnh nhân này với hơn 8 triệu người không bị nhiễm SARS-CoV-2.

Nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Lancet Diabetes & Endocrinology.

Kết quả cho thấy những người khỏi COVID-19 có nguy cơ mắc mới bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 46% trong vòng một năm sau khi nhận kết quả xét nghiệm dương tính.

F0 khỏi bệnh có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 46%: Bác sĩ chỉ 4 cách phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 1.

Ảnh minh họa test nhanh COVID-19 cho kết quả dương tính.

Ziyad Al-Aly, giám đốc nghiên cứu và phát triển của Hệ thống Chăm sóc Sức khỏe Cựu chiến binh St. Louis (Mỹ), người dẫn đầu nghiên cứu, nói với Reuters rằng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn rõ ràng ngay cả ở những người bị COVID-19 nhẹ hoặc không có triệu chứng. Nguy cơ này cũng cao hơn ngay cả ở những F0 không có bất kỳ yếu tố nguy cơ nào khác của bệnh tiểu đường.

Tuy nhiên, những người bị COVID-19 nặng có nguy cơ phát triển tiểu đường cao nhất.

Bệnh tiểu đường loại 2 xảy ra khi cơ thể không thể xử lý đường từ thức ăn một cách bình thường. Bệnh cần được kiểm soát chặt chẽ, nếu không, lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương các cơ quan, mắt, tay chân, và dẫn đến các cơn đau tim và đột quỵ.

Tiểu đường loại 2 vốn đã gia tăng toàn cầu do tỷ lệ người mắc bệnh béo phì tăng vọt.

Ziyad Al-Aly nói thêm: "Đối với phần lớn công chúng, nếu bạn đã mắc COVID-19, bạn cần chú ý đến lượng đường trong máu của mình".

F0 khỏi bệnh có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn 46%: Bác sĩ chỉ 4 cách phòng ngừa hiệu quả - Ảnh 2.

Các tác giả nghiên cứu khuyến cáo F0 đã khỏi bệnh nếu có triệu chứng của bệnh tiểu đường thì cần đi khám.

Các nhà nghiên cứu kết luận: "Các bằng chứng hiện tại cho thấy bệnh tiểu đường là một khía cạnh của hội chứng COVID kéo dài... Các chiến lược chăm sóc sau khi khỏi COVID-19 cấp tính nên bao gồm xác định và quản lý bệnh tiểu đường".

Một nghiên cứu khác được công bố tuần trước trên tạp chí Diabetologia cũng phát hiện kết quả tương tự. Các nhà nghiên cứu đã xem xét 35.865 người mắc COVID-19 và phát hiện những người này có nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường cao hơn 28% so với nhóm bị nhiễm trùng đường hô hấp trên không phải do COVID.

Gần như tất cả các trường hợp mắc mới tiểu đường trong cả hai nghiên cứu đều là bệnh tiểu đường loại 2, đôi khi có thể được kiểm soát bằng cách giảm cân và thay đổi chế độ ăn uống.

Các tác giả nghiên cứu khuyến cáo F0 đã khỏi bệnh nếu có triệu chứng của bệnh tiểu đường thì cần đi khám.

Cách phòng ngừa tiểu đường sau khi mắc COVID-19

Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Kathleen Wyne, Trung tâm Y tế Wexner, Đại học bang Ohio, Mỹ, có một số biện pháp bạn có thể thực hiện để phòng ngừa tiểu đường sau khi mắc COVID-19:

- Giữ cân nặng hợp lý – duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 25, nếu là người châu Á thì là dưới 23. Chỉ số BMI được tính như sau: BMI= Cân nặng/(chiều cao x chiều cao). Trong đó, cân nặng được tính bằng đơn vị kg, chiều cao tính bằng đơn vị cm.

- Thiết lập một chương trình tập thể dục thường xuyên. Điều này sẽ giúp duy trì độ nhạy insulin và trọng lượng cơ thể và làm chậm sự tiến triển của bệnh tiểu đường loại 2. Đi bộ hằng ngày cũng được tính là tập thể dục.

- Đánh giá chế độ ăn uống trước COVID. Thực hiện một số thay đổi nhỏ để giảm cân nếu bạn đang có chỉ số cơ thể cao hơn mức khuyến nghị, chẳng hạn như chuyển từ đồ uống có đường sang đồ uống không đường hoặc nước lọc.

- Khám bác sĩ nếu có bất cứ dấu hiệu nào nghi ngờ bệnh tiểu đường. Các dấu hiệu này bao gồm đi tiểu nhiều hơn, rất khát, giảm cân mà không cố gắng, rất đói, nhìn mờ, tê ngứa bàn tay hoặc bàn chân, cảm thấy rất mệt mỏi, da rất khô, vết loét lâu lành, bị nhiễm trùng nhiều hơn bình thường…

Gia tăng bệnh nhân tiểu đường toàn cầu

Ngày 6/12/2021, Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế công bố Atlas bệnh đái tháo đường phiên bản thứ 10 với nhiều dữ liệu đáng lo ngại về căn bệnh tiểu đường, Web MD đưa tin.

Theo Atlas bệnh đái tháo đường mới công bố, cứ 10 người trưởng thành trên toàn thế giới thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường và con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên trong những thập kỷ tới.

Số ca bệnh tăng nhiều nhất ở người trưởng thành mắc tiểu đường type 1 và thanh niên mắc tiểu đường type 2.

Đồng chủ tịch cuốn Atlas, Tiến sĩ Dianna Magliano, cho biết trên thế giới, một nửa số người mắc bệnh tiểu đường (khoảng 240 triệu người trưởng thành) không được chẩn đoán. Ngoài ra, 319 triệu người khác bị tiền tiểu đường, tiến sĩ nói thêm.

Hơn 75% người lớn mắc bệnh tiểu đường hiện sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Khoảng 6,7 triệu ca tử vong vào năm 2021 có thể liên quan đến bệnh tiểu đường.

Ngoài ra còn có nhiều trẻ em mắc tiểu đường type 1 và phụ nữ có thai bị ảnh hưởng bởi tiểu đường, nữ tiến sĩ nói.

Tiến sĩ Magliano, người đứng đầu bộ phận bệnh tiểu đường và sức khỏe dân số tại Viện Tim mạch và Tiểu đường ở Úc, cho biết: "Cần có các chiến lược và chính sách can thiệp hiệu quả để ngăn chặn sự gia tăng số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn thế giới".

(Nguồn: Reuters, The Sun, Trung tâm Y tế Wexner)

https://soha.vn/f0-khoi-benh-co-nguy-co-mac-tieu-duong-tang-40-lam-gi-de-phong-ngua-20220324102328925.htm