Đeo tai nghe khi đi xe máy bị phạt đến mức nào?

Nhiều người có thói quen đeo tai nghe khi điều khiển xe máy tham gia giao thông. Vậy hành vi này có bị phạt không và mức phạt thế nào?

Mức phạt lỗi đeo tai nghe khi điều khiển xe máy

Theo Điểm c Khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008, người điều khiển xe môtô hai bánh, môtô ba bánh, xe gắn máy không được sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính khi tham gia giao thông.

Cụ thể, Khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:

a) Đi xe dàn hàng ngang;

b) Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác;

c) Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính;

d) Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh;

đ) Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh;

e) Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Như vậy, việc sử dụng tai nghe khi điều khiển phương tiện giao thông được xem là hành vi vi phạm.

Cũng theo quy định tại Điểm h Khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, người điều khiển xe bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tai nghe khi điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe môtô, xe gắn máy.

Bên cạnh phạt tiền, người điều khiển xe sử dụng tai nghe còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

Đồng thời căn cứ Điều 31 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định như sau:

Người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, người điều khiển xe thô sơ khác

1. Người điều khiển xe đạp chỉ được chở một người, trừ trường hợp chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa hai người.

Người điều khiển xe đạp phải thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật này; người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông phải thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật này.

Theo đó, tương tự người điều kiện xe máy thì Người điều khiển xe đạp cũng không được sử dụng tai nghe khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, hiện nay, pháp luật không có quy định cấm đối với hành vi đeo tai nghe khi đi xe ô tô. Đồng nghĩa với việc sử dụng tai nghe khi điều khiển ôtô không được quy định là hành vi vi phạm pháp luật và người điều khiển sẽ không bị xử phạt.

Thẩm quyền xử phạt

Theo quy định tại Điều 74 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt hành chính đối với hành vi đeo tai nghe khi điều khiển xe môtô, xe gắn máy thuộc về:

- Chủ tịch UBND các cấp có thẩm quyền xử phạt trong phạm vi quản lý của địa phương mình.

- CSGT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

- Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến trật tự an toàn giao thông đường bộ.

Minh Hoa (t/h)