“Chiến lược” đầu tư phát triển du lịch cộng đồng Nghệ An

Mặc dù có nhiều tiềm năng, tuy nhiên du lịch cộng đồng ở Nghệ An vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ,… vì vậy chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

Xu hướng du lịch tiềm năng

Nghệ An là tỉnh nông nghiệp, gắn với hệ sinh thái và bản sắc văn hoá đa dạng, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số với nhiều nét văn hoá đặc sắc Thái, Mông, Khơ Mú, Đan Lai.... Đây là thế mạnh để phát triển du lịch cộng đồng.

Vì vậy, trải dài từ miền xuôi lên miền ngược, trong đó đa phần tập trung tại các huyện vùng cao ở khu vực miền Tây Nghệ An, nhiều điểm du lịch đã hình thành. Điển hình như: Làng du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu; Điểm du lịch cộng đồng bản Quang Phúc và bản Coọc, huyện Tương Dương; Điểm du lịch cộng đồng Cọ Muồng, Mường Đán, Farmstay Nhật Minh, huyện Quế Phong;…

Văn hoá - “Chiến lược” đầu tư phát triển du lịch cộng đồng Nghệ An

Đầu tháng 3/2024, bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu vừa được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh.

Hiện mô hình du lịch cộng đồng đã được phát triển tại 23 bản làng với 54 hộ phục vụ dịch vụ Homestay trong toàn tỉnh. Các mô hình du lịch cộng đồng được hình thành và đi vào hoạt động, bên cạnh tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, đã góp phần lưu giữ, phát huy, quảng bá các giá trị văn hoá của đồng bào về ẩm thực, nhảy sạp, cồng chiêng, hát múa các làn điệu dân ca đặc trưng từng đồng bào dân tộc.

Mặt khác tạo ra sự thay đổi tư duy, nhận thức về mọi mặt của người dân bản địa thông qua tiếp cận với nhiều thông tin từ khách du lịch; góp phần xây dựng không gian nông thôn mới đẹp, văn minh…

Văn hoá - “Chiến lược” đầu tư phát triển du lịch cộng đồng Nghệ An (Hình 2).

 Nhiều du khách trong và ngoài nước vô cùng thích thú khi được trải nghiệm cách làm bánh truyền thống.

Tuy nhiên, trên thực tế thì các sản phẩm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới chỉ phát triển ở mức quy mô nhỏ; hoạt động chủ yếu mang tính tự phát, nhỏ lẻ, manh mún; chưa được đầu tư, tổ chức một cách bài bản; nguồn nhân lực, cơ sở vật chất còn thiếu và yếu; khâu quảng bá du lịch chưa có chiều sâu, hiệu quả và sức lan tỏa chưa cao.

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: “Tổng thể, du lịch miền Tây xứ Nghệ chưa đạt được như kỳ vọng, chưa xứng với tiềm năng, trong đó có nguyên nhân về hạ tầng phục vụ du lịch còn yếu kém, chưa thu hút được các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh, sản phẩm du lịch chưa đa dạng”.

Vì vậy, Giám đốc Sở Du lịch cho rằng để phát triển loại hình này các địa phương cần quy hoạch các điểm du lịch tiềm năng, để từ đó tập trung phát triển hạ tầng giao thông, bãi đậu xe, điện, nước sạch, thông tin liên lạc, nhà vệ sinh công cộng… Gắn với thu hút các nhà đầu tư xây dựng các cơ sở dịch vụ du lịch chất lượng cao, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng để vừa nâng cao chất lượng dịch vụ, vừa đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Ngoài ra, cần tăng cường liên kết các chủ thể tham gia vào chuỗi du lịch, đặc biệt là các công ty lữ hành, xây dựng mạng lưới kết nối về du lịch cộng đồng, tránh sự trùng lặp về các sản phẩm du lịch, tạo dựng và hình thành những hành trình, tour du lịch khám phá trải nghiệm…

Văn hoá - “Chiến lược” đầu tư phát triển du lịch cộng đồng Nghệ An (Hình 3).

Để thu hút du khách, bà con dân bản đã tự học, tự bồi dưỡng kiến thức về văn hóa truyền thống của dân tộc, phát huy nét đẹp về văn hóa.

Đơn cử tại Làng du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, là nơi có phần lớn cộng đồng người dân tộc Thái sinh sống và là cái nôi của ngành nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Trong 7 năm trở lại đây, người dân bản làng Hoa Tiến làm loại hình du lịch này và hiện có khoảng 10 hộ thực hiện mô hình homestay, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm và nghỉ dưỡng.

Để hút khách du lịch, bà con dân bản đã tự học, tự bồi dưỡng kiến thức về văn hóa truyền thống của dân tộc, phát huy nét đẹp về văn hóa, phong tục tập quán của mình. Không những vậy, họ còn chủ động kết hợp với các doanh nghiệp làm dịch vụ lữ hành để xây dựng những chương trình thú vị, viết kịch bản cho các làn điệu dân ca, dân vũ để du khách có những trải nghiệm đáng nhớ khi tham gia tour du lịch cộng đồng ở bản Hoa Tiến.

Chính vì vậy, ngày 06/3/2024, UBND tỉnh có quyết định công nhận điểm du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Tại quyết định, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Quỳ Châu có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc quản lý điểm du lịch cộng đồng đối với bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu đảm bảo các nội dung theo yêu cầu quy định và phát huy hiệu quả điểm du lịch.

Gợi mở “mảnh ghép” phát triển du lịch

Để tập trung phát triển du lịch cộng đồng, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND, ngày 22/7/2020, về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, có 6 chính sách hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng, gồm hỗ trợ mô hình hộ gia đình mua sắm trang thiết bị ban đầu và trang thiết bị nhà vệ sinh; hỗ trợ các thôn, xóm, bản mua sắm bộ nhạc cụ, trang phục truyền thống phục vụ hoạt động văn nghệ và lắp đặt hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, biển quảng cáo, thuyết minh; hỗ trợ đối với cấp huyện kinh phí tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho người dân và kinh phí tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch cộng đồng.

Ngày 22/3, Ban Văn hoá – Xã hội, HĐND tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết số 07/2020/NQ-HĐND của HĐND. Mục đích của hội nghị là để nhận diện những khó khăn, vướng mắc và thảo luận, đề ra các giải pháp đưa ngành du lịch nói chung và du lịch cộng đồng, sinh thái nói riêng trên địa bàn tỉnh phát triển hiệu quả và bền vững theo Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2035 đã được phê duyệt, tạo bước phát triển đột phá cho du lịch Nghệ An, đưa du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Văn hoá - “Chiến lược” đầu tư phát triển du lịch cộng đồng Nghệ An (Hình 4).

Đoàn công tác của tỉnh khảo sát điểm dừng chân tại Rừng Săng lẻ, huyện Tương Dương.

Trong khuôn khổ chương trình, ngày 21/3, đoàn công tác của tỉnh đã có cuộc khảo sát một số mô hình du lịch cộng đồng tại 4 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương và Kỳ Sơn. Tham gia đoàn khảo sát có Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh; Điều phối viên Quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) Nguyễn Thị Thu Huyền.

Trực tiếp khảo sát một số điểm du lịch cộng đồng bản Bộng (huyện Anh Sơn); bản Nưa và bản Bãi Gạo (huyện Con Cuông); đoàn công tác đã ghi nhận sự chủ động của các địa phương và chủ thể các mô hình trong xây dựng các mô hình du lịch cộng đồng; gắn với triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của địa phương nhằm duy trì hoạt động của các mô hình du lịch.

Cùng với đó, đoàn công tác cũng đã góp ý, gợi mở và định hướng cho từng mô hình về cách làm để đảm bảo mô hình hoạt động hiệu quả bền vững. Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng, mở rộng không gian văn hoá cộng đồng đậm đà bản sắc dân tộc nhằm tạo sự đặc sắc của từng điểm du lịch cộng đồng.

Văn hoá - “Chiến lược” đầu tư phát triển du lịch cộng đồng Nghệ An (Hình 5).

Du lịch cộng đồng là loại hình cần được các cấp ngành cùng chính quyền, người dân địa phương tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư, phát triển.

Qua khảo sát, đoàn công tác cũng ghi nhận những hạn chế, khó khăn ở các mô hình du lịch cộng đồng, trên cơ sở đó để tiếp tục nghiên cứu và ban hành các chính sách tiếp theo cùng với người dân thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng nói riêng và du lịch của tỉnh nói chung.

Tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn Nghệ An có 28 điểm du lịch được UBND tỉnh quyết định công nhận. Tuy nhiên chỉ có 3 điểm du lịch cộng đồng, gồm: Điểm du lịch cộng đồng bản Nưa; Thác Khe Kèm; Điểm du lịch cộng đồng, sinh thái Bản Xiềng - Pha Lài - sông Giăng; Điểm du lịch cộng đồng bản Hoa Tiến, huyện Quỳ Châu.