Chân dung ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa bị bắt

Ông Mai Tiến Dũng khi đương nhiệm từng phát biểu rằng "phải xử lý nghiêm cán bộ, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu không kìm hãm, kéo giảm tốc độ tăng trưởng".

Ông Mai Tiến Dũng bị bắt do sai phạm liên quan dự án nào?

Chiều ngày 4/5, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, tạm giam ông Mai Tiến Dũng - cựu bộ trưởng, cựu chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ để điều tra tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Ông Mai Tiến Dũng bị bắt với cáo buộc có sai phạm liên quan dự án Đại Ninh, Lâm Đồng.

Ông Mai Tiến Dũng sinh ngày 8/1/1959, quê xã Văn Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, có trình độ Thạc sỹ Kinh tế, Đại học Luật, Cao cấp lý luận chính trị.

Ông Dũng đã có 4 năm là học viên Trường thiếu sinh quân, Bộ Tổng tham mưu từ năm 1974 đến 1978. Sau đó ông tiếp tục học 4 năm ở Trường cán bộ Ngoại thương Hà Nội, sau đó ông trải qua nhiều vị trí công tác tại tỉnh Hà Nam như Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Lý Nhân, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy Hà Nam, Bí thư Thành ủy Phủ Lý và Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam.

Từ năm 2014-2016, ông Dũng được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Sau đó, ông Dũng nhận công tác ở Văn phòng Chính phủ từ 2016-2021 với các chức vụ Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XII), Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Chân dung ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa bị bắt- Ảnh 1.

Ông Mai Tiến Dũng thời kỳ làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Ảnh: VGP

Ông Dũng từng bị kỷ luật do thiếu trách nhiệm

Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV vào ngày 7/4/2021 đã quyết định phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ với ông Mai Tiến Dũng.

Vào tháng 3/2023, Thủ tướng chính phủ quyết định thi hành kỷ luật ông Mai Tiến Dũng bằng hình thức cảnh cáo do đã có vi phạm khuyết điểm trong công tác và Ban Bí thư đã thi hành kỷ luật về Đảng.

Cụ thể, khi ở cương vị Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, ông Dũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Ông Dũng cũng đã thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch COVID-19, để một số cán bộ VPCP tham mưu, đề xuất không đúng kết luận của Thủ tướng Chính phủ, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Vi phạm của ông Mai Tiến Dũng được xác định "đã gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu trong xã hội, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan hành chính nhà nước".

"Cán bộ nghỉ hưu vẫn phải xem xét trách nhiệm"

Tháng 10/2017, khi đương nhiệm, nguyên Bộ trưởng Mai Tiến Dũng từng phát biểu về vấn đề công tác giám sát, quản lý cán bộ, vấn đề phòng chống tham nhũng.

Cụ thể, theo ông Dũng: "Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đều quyết tâm chống tham nhũng, tiêu cực và khẳng định, việc xử lý sai phạm đều được công bố công khai và ngay cả các cán bộ đã nghỉ hưu vẫn phải xem xét trách nhiệm".

"Chúng ta đang chuyển mạnh sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong điều hành ở chỗ này chỗ khác, khi phát hiện vấn đề, vụ việc như vậy thì phải xác minh, kết luận trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm, ngay cả các cán bộ đã được nghỉ hưu vẫn phải xem xét trách nhiệm, kỷ luật. Tất cả các nội dung này đều công bố công khai", VTV dẫn lời nguyên Bộ trưởng nói.

Chân dung ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ vừa bị bắt- Ảnh 2.

Nguyên Bộ trưởng Mai Tiến Dũng - Ảnh: Báo Chính phủ

Trong buổi trả lời phỏng vấn báo Thanh tra hồi đầu năm 2019, nguyên Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói Công tác phòng, chống tham nhũng thực sự có hiệu quả.

Ông Dũng khẳng định xử lý nghiêm cán bộ, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu không kìm hãm, kéo giảm tốc độ tăng trưởng.

Trái lại, làm tốt phòng chống tham nhũng tạo ra minh bạch, công bằng, là thành tố quyết liệt khiến sự tích cực, năng động, sáng tạo, tâm huyết càng có điều kiện trỗi dậy để đóng góp tốt hơn vào sự phát triển của đất nước.