Cảnh báo chuyển mùa: Cách phân biệt COVID-19, dị ứng, cảm cúm; khi nào cần test nhanh?

Chúng ta đang trong thời điểm chuyển mùa và COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp. Dưới đây là cách phân biệt COVID-19, dị ứng và cảm cúm mà bạn nên biết để làm test nhanh.

Trong thời gian gần đây, cả thế giới không chỉ chứng kiến sự xuất hiện của các biến thể virus SARS-CoV-2 mới mà còn chứng kiến những đợt bùng phát các bệnh truyền nhiễm khác như cảm cúm, cảm lạnh. Và dĩ nhiên, đây đang là thời điểm chuyển mùa nên các triệu chứng dị ứng thời tiết cũng rất dễ gặp.

Vì vậy, nếu bạn đang cảm thấy nghẹt mũi và mệt mỏi, rất khó để nhận biết bạn đang mắc căn bệnh gì để có cách chăm sóc sức khoẻ phù hợp.

Tiến sĩ John Torres, phóng viên y tế cấp cao của hãng tin NBC cho biết: "Nếu bạn bắt đầu có các triệu chứng nghi ngờ, về cơ bản bạn phải cho rằng đó là COVID trước. Hãy tự cách ly và làm xét nghiệm để loại trừ khả năng này".

"Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, bạn có thể nghĩ tới các bệnh lý khác như cảm lạnh hoặc cảm cúm."

Tiến sĩ Torres nói: "Giữa các bệnh lý kể trên, triệu chứng của chúng khá giống nhau và đó là lý do tại sao bạn lại khó có thể phân biệt các bệnh lý này. Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt mà bạn nên biết". 

Dị ứng thời tiết

Cảnh báo chuyển mùa: Cách phân biệt COVID-19, dị ứng, cảm cúm; khi nào cần test nhanh? - Ảnh 1.

Dị ứng thời tiết thường không sốt và quá mệt mỏi. Ảnh minh hoạ.

Nhiều người thường xuyên bị dị ứng thời tiết, nhất là giai đoạn chuyển mùa, nhưng thông thường họ có các chiến lược riêng để kiểm soát các triệu chứng này.

Tuy nhiên, COVID-19 vẫn đang hoành hành, nếu bắt đầu xuất hiện các triệu chứng, tốt nhất bạn nên làm test nhanh để loại trừ COVID.

Tiến sĩ Torres cho biết mặc dù dị ứng thời tiết có một số triệu chứng giống với COVID-19 nhưng dị ứng thời tiết thường không gây sốt. Thêm vào đó, tình trạng mệt mỏi do dị ứng thời tiết thường nhẹ hơn so với khi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Các triệu chứng có thể gặp khi bị dị ứng thời tiết đó là:

- Ngứa họng.

- Ngứa ống tai.

- Ngạt hoặc chảy nước mũi.

- Mệt mỏi.

Cảm lạnh

Cảnh báo chuyển mùa: Cách phân biệt COVID-19, dị ứng, cảm cúm; khi nào cần test nhanh? - Ảnh 2.

Triệu chứng cảm lạnh thường tăng dần trong vài ngày. Ảnh minh hoạ.

Tiến sĩ Torres cho biết các triệu chứng của cảm lạnh có xu hướng tăng dần trong vài ngày. 

Các triệu chứng thường gặp của cảm lạnh là:

- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.

- Viêm họng.

- Ho.

- Ngạt mũi.

Cảm cúm

Không giống như cảm lạnh thông thường hoặc COVID-19, các triệu chứng cúm thường diễn biến đột ngột và có thể nghiêm trọng ngay từ khi xuất hiện. 

Tiến sĩ Torres giải thích: "Các triệu chứng của cảm cúm thường ập tới ngay tức thì. Nếu bạn đã từng bị cúm, bạn biết rằng đã có lúc bạn không thể rời khỏi giường".

Những dấu hiệu của cảm cúm bao gồm:

- Sốt.

- Ho.

- Đau họng, nhiều người mô tả đau họng đến mức không nói được.

- Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.

- Đau nhức cơ thể.

- Đau đầu.

Các triệu chứng chung về COVID-19

Cảnh báo chuyển mùa: Cách phân biệt COVID-19, dị ứng, cảm cúm; khi nào cần test nhanh? - Ảnh 3.

Chóng mặt là biểu hiện thường thấy của biến thể Omicron "tàng hình". Ảnh minh hoạ.

Tiến sĩ Torres cho biết: "Với các biến thể COVID trước đây như Delta, dấu hiệu chính bao gồm mất khứu giác hoặc vị giác".

Ở các biến thể sau này, người bệnh có thể có những triệu chứng giống như cảm lạnh và cúm như:

- Đau đầu.

- Đau họng.

- Sổ mũi.

- Sốt.

- Đau nhức cơ thể.

Đối với biến thể Omicron, các trường hợp nhiễm bệnh báo cáo các triệu chứng khác biệt như:

- Đổ mồ hôi vào ban đêm.

- Đau thắt lưng.

- Ho.

- Buồn nôn.

Với biến thể phụ của Omicron, BA.2 (hay còn gọi là Omicron "tàng hình"), các nghiên cứu chỉ ra các triệu chứng sớm nhất đó là:

- Chóng mặt.

- Mệt mỏi.

Do đó, nếu thấy các biểu hiện đặc trưng này, bạn nên làm xét nghiệm để khẳng định bệnh.

Khi nào cần tới bệnh viện?

Cảnh báo chuyển mùa: Cách phân biệt COVID-19, dị ứng, cảm cúm; khi nào cần test nhanh? - Ảnh 5.

Khi chỉ số SPO2 xuống thấp, bệnh nhân nên tới ngay bệnh viện. Ảnh minh hoạ.

Hiện tại, cảm cúm, cảm lạnh, thậm chí COVID-19 có thể được điều trị tại nhà. Các phương pháp điều trị tại nhà tốt nhất cho bất kỳ bệnh nào trong số này phụ thuộc vào các triệu chứng mà bệnh nhân đang gặp phải.

Sốt và đau nhức cơ thể: Dùng thuốc giảm đau và hạ sốt như paracetamol và ibuprofen.

Nghẹt mũi: Sử dụng thuốc có chứa steroid hoặc thuốc kháng histamine.

Mệt mỏi: Đảm bảo bạn luôn uống đủ nước, bổ sung đủ chất điện giải và ngủ đủ giấc. Tiến sĩ Torres nói: "Giấc ngủ là một trong những biện pháp hồi phục nhanh nhất và giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn được cải thiện".

Khó thở: Nếu bạn cảm thấy khó thở, hụt ​​hơi hoặc nếu các triệu chứng khác của bạn trở nên tồi tệ hơn thay vì đỡ dần thì bạn nên tới gặp các bác sĩ để được khám chuyên sâu, tránh những biến chứng nguy hiểm.

Có quá muộn để tiêm phòng?

TIN LIÊN QUAN

“Nhớ nhớ, quên quên” hậu COVID? Chuyên gia chỉ cách khắc phục cực đơn giản

Khi đề cập đến COVID-19 và bệnh cúm, bạn hãy nhớ rằng chưa bao giờ là quá muộn để tiêm vaccine cho cả 2 bệnh này. Bạn thậm chí có thể tiêm 2 loại vaccine này cùng 1 lúc.

2 loại vaccine phòng bệnh cúm và COVID-19 đều mất vài tuần để xây dựng phản ứng miễn dịch và cung cấp khả năng bảo vệ tối đa. Vì vậy, nếu bạn chưa tiêm các loại vaccine đó, hãy đi tiêm ngay khi có thể để được bảo vệ trong tương lai.

(Nguồn: CNN, National World)

https://soha.vn/canh-bao-chuyen-mua-cach-phan-biet-covid-19-di-ung-cam-cum-khi-nao-can-test-nhanh-20220324164140064.htm