Bắt giám đốc và kế toán một hợp tác xã ở Đắk Lắk

Cơ quan công an vừa bắt Giám đốc và kế toán Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình tại huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) để phục vụ điều tra.

Hợp tác xã nhận thầu tưới nước, tiêu nước cho nông dân

Chiều 23/5, một lãnh đạo Công an huyện Krông Ana (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đơn vị vừa thi hành lệnh bắt và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Văn Sanh (63 tuổi) là Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình (huyện Krông Ana) và Nguyễn Thị Trang (32 tuổi) là kế toán của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình để điều tra cùng về hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo điều tra ban đầu, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình, địa chỉ tại xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana) hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã số 40.07.L.0003, tiền thân là Hợp tác xã dịch vụ Thanh Bình do ông Nguyễn Văn Sanh làm Giám đốc.

Từ năm 2009-2012, trên cơ sở đăng ký, hợp đồng bằng miệng, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình sẽ cung cấp dịch vụ (tưới nước, tiêu nước) cho những người dân trồng lúa tại các cánh đồng T27, T77, T26, T76, T123, T125, T126, T160, T144, T151, T180 (thuộc thôn Buôn Triết và cánh đồng buôn Kmăl và buôn Krông thuộc xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana). Sau đó, theo thỏa thuận, người dân được Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình tưới tiêu nước cho ruộng của mình và phải trả tiền công bơm, tưới tiêu nước cho hợp tác xã.

Thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi của Nhà nước, từ năm 2013 đến nay, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình đã hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi cho các cá nhân, hộ trồng lúa có nhu cầu.

An ninh - Hình sự - Bắt giám đốc và kế toán một hợp tác xã ở Đắk Lắk

Cơ quan công an tiến hành khám xét nơi ở, nơi làm việc của các đối tượng.

Tuy nhiên, tại cánh đồng T90 (ở Buôn Triết, xã Dur Kmăl), những người dân canh tác, sản xuất trồng lúa tại diện tích trên đều tự bỏ chi phí để mua, lắp đặt, vận hành máy bơm để bơm tưới, tiêu nước cho ruộng lúa của gia đình mình mà không thuê Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình thực hiện việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi (bơm tưới, tiêu nước). Hơn nữa, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình không có tài sản, máy móc, kênh mương tại đây để có thể cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi.

Tạo lập các chứng từ khống để nhận tiền chi trả của nhà nước

Từ năm 2013-2020, mặc dù không cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nhưng Sanh vẫn bàn bạc, thống nhất với những người trồng lúa tại khu vực cánh đồng T90 để tạo lập hợp đồng cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi, biên bản nghiệm thu, biên bản thanh lý, sau đó tạo lập các chứng từ khống để quyết toán, nhận tiền chi trả của nhà nước.

Để quyết toán, nhận số tiền chi trả của Nhà nước, Sanh chỉ đạo Trang là kế toán tạo lập hồ sơ, chứng từ khống các hạng mục gồm sửa chữa máy móc, nạo vét phát dọn kênh mương, chi tiền công tổ thủy nông, chi tiền lương ban quản trị, chi tiền điện.

Sau đó, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình chia một phần cho những người đăng ký trong danh sách. Số còn lại, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Bình sử dụng.

Với thủ đoạn như trên, từ năm 2013 đến 2020, các đối tượng đã tạo lập nhiều hợp đồng cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi với các hộ trồng lúa tại cánh đồng T90 với tổng diện tích 88,5 hecta để quyết toán, hưởng tiền chi trả ngân sách của nhà nước.

Bước đầu, công an xác định, 2 đối tượng đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước số tiền tạm tính trong các năm 2016, 2017, 2018 là hơn 860 triệu đồng.

Khám xét nơi ở của 2 đối tượng, cơ quan công an đã thu giữ nhiều tang vật, tài liệu có liên quan.

Hiện vụ án đang được cơ quan công tiếp tục được điều tra mở rộng.

Khánh Ngọc