Ái nữ May Tân Phú kể lại chuyện khai sinh Rabity: Những hoài nghi từ thế hệ trước, trước khai trương 1 ngày mới được chốt tên thương hiệu, Founder kiếm sẵn font trên powerpoint để làm logo

Chị Trần Hồng Hạnh - Founder hãng thời trang trẻ em Rabity là con gái của chủ doanh nghiệp may Tân Phú. Trước khi Rabity thành công với 50 cửa hàng trên toàn quốc như hiện nay, chị đã vấp phải sự nghi ngờ của thế hệ trước, chỉ được đồng ý lấy tên thương hiệu là Rabity đúng 1 ngày trước khai trương.

"Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề may, lớn lên trong tiếng máy may, nên niềm đam mê thời trang, hàng may mặc đã có trong máu", chị Trần Hồng Hạnh - Founder thương hiệu thời trang Rabity - chia sẻ trong series podcast Chapter 0 do Rising Vietnam sản xuất.

Chị Hạnh được biết đến là "ái nữ" của May Tân Phú – doanh nghiệp đã đứng vững gần 25 năm trên thị trường. Trước khi thành lập Rabity vào năm 2015, chị đã có khoảng thời gian làm việc tại các tập đoàn lớn như PwC, Nestle, từ đó nhìn ra một hướng đi mới cho cơ nghiệp của gia đình.

Ái nữ May Tân Phú kể lại chuyện khai sinh Rabity: Những hoài nghi từ thế hệ trước, trước khai trương 1 ngày mới được chốt tên thương hiệu, Founder kiếm sẵn font trên powerpoint để làm logo- Ảnh 1.

Chị Trần Hồng Hạnh - Founder thương hiệu thời trang trẻ em Rabity.

"Đại dương xanh" trên thị trường thời trang trẻ em

"Trước hết, tôi quan sát thấy thị trường thời trang trẻ em tại thời điểm đó là một "đại dương xanh". Những đồng nghiệp của tôi mỗi khi muốn mua sản phẩm thời trang an toàn, phù hợp cho con mình đều gặp khó khăn.

Một số người có thu nhập cao một chút sẽ mua hàng xách tay ở nước ngoài, bởi cách đây 10 năm các thương hiệu ngoại thậm chí chưa đến với Việt Nam. Việc mua hàng xách tay rất mất thời gian, chi phí lại cao. Cách thứ hai là mua ngoài chợ hoặc những cửa hàng trên đường, thường thì sản phẩm là hàng Việt Nam xuất dư hoặc hàng Trung Quốc.

Từ đó, tôi nghĩ rằng mình có cơ hội làm một thương hiệu của người Việt Nam, đủ tin tưởng và ngay gần nhà, các phụ huynh có thể mua với mức giá hợp lý", chị Hạnh kể lại ý tưởng thành lập Rabity.

Ngoài lý do trên, còn một điều nữa khiến Founder Rabity phải suy nghĩ sau khi làm việc tại các công ty lớn. Việt Nam tự hào là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, trong mô hình về giá trị gia tăng của sản phẩm, sản xuất lại là khâu tạo ra giá trị thấp nhất.

"Do đó, mình có cơ hội để tạo ra một thương hiệu từ những sản phẩm mà trước giờ mình vẫn sản xuất. Như vậy, mình không chỉ bán quần áo, mà còn đang bán một phong cách sống, những cảm xúc, niềm vui gắn liền với sản phẩm", chị Hạnh lý giải.

Ái nữ May Tân Phú kể lại chuyện khai sinh Rabity: Những hoài nghi từ thế hệ trước, trước khai trương 1 ngày mới được chốt tên thương hiệu, Founder kiếm sẵn font trên powerpoint để làm logo- Ảnh 2.

Những buổi "họp hội đồng quản trị" trên bàn ăn

Mặc dù sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề may lâu đời, khi bày tỏ mong muốn mở một thương hiệu bán lẻ riêng, chị Hạnh vẫn vấp phải sự nghi ngờ của thế hệ đi trước, bởi mô hình của May Tân Phú là sản xuất, gia công cho các thương hiệu khác.

"Mọi người thắc mắc tại sao phải ra một thương hiệu mới khác với tên hiện tại. Những người điều hành doanh nghiệp tin rằng nên giữ tên Tân Phú, bởi đây là cái tên đã được xây dựng từ rất lâu.

Tôi vẫn nhớ cửa hàng đầu tiên đặt tại Vincom Đồng Khởi khá nhỏ, chỉ khoảng 30 m2. Trước ngày khai trương, tên cửa hàng trên bảng thiết kế vẫn là Tân Phú. Qua rất nhiều cuộc đối thoại, mà tôi gọi đùa là những buổi họp hội đồng quản trị trên bàn ăn tối, cuối cùng mọi người đồng ý rằng sẽ đổi tên thành Rabity.

Quyết định đấy được đưa ra chỉ đúng 1 ngày trước thời điểm khai trương. Tôi đã tìm một font có sẵn trên powerpoint để làm logo thương hiệu, sau đấy mang ra cửa hàng để làm biển thay thế thật nhanh, sau này mới có thời gian để thuê họa sĩ, ekip chuyên nghiệp thiết kế ra logo bây giờ. Ở thời điểm đó, được thông qua tên thương hiệu đã là rất mừng", Founder Rabity kể lại hành trình thuyết phục gia đình cho ra mắt một thương hiệu hoàn toàn mới.

Hiện nay, Rabity đã có khoảng 50 cửa hàng trên toàn quốc, tọa lạc trong các trung tâm thương mại lớn và nhiều tuyến phố đắc địa, cùng 2 chi nhánh tại Campuchia. Thương hiệu này còn là đối tác duy nhất của Disney & Marvel và ELLE Kids được sử dụng bản quyền hình ảnh cho dòng thời trang trẻ em từ 0 – 14 tuổi tại Việt Nam.

Ái nữ May Tân Phú kể lại chuyện khai sinh Rabity: Những hoài nghi từ thế hệ trước, trước khai trương 1 ngày mới được chốt tên thương hiệu, Founder kiếm sẵn font trên powerpoint để làm logo- Ảnh 3.

Do công ty Tân Phú vốn cung ứng hàng may mặc cho rất nhiều chuỗi siêu thị có chi nhánh trên toàn quốc, Rabity cũng được kế thừa những kinh nghiệm, hiểu biết về thị hiếu, đặc điểm thời tiết khác nhau giữa các vùng miền.

Khi được hỏi về lời khuyên cho các startup trong lĩnh vực thời trang, chị Hạnh chỉ ra rằng các bạn trẻ thường bắt đầu công việc kinh doanh riêng bằng thứ họ rất thích, tức là xuất phát từ niềm đam mê.

Tuy nhiên, chị cho biết nếu quá tập trung vào thứ mình thích, các bạn trẻ có thể sẽ quên trả lời câu hỏi có bao nhiêu người cũng thích cái đó trên thị trường. Như vậy, bài toán đầu tiên cần phải giải khi làm kinh doanh là "market size" (dung lượng thị trường).

"Đã có nhiều trường hợp các bạn làm những sản phẩm thời trang rất đẹp, độc đáo, nhưng quy mô thị trường nhỏ quá nên khó phát triển thành doanh nghiệp đủ lớn và tồn tại lâu.

Sau quá trình kinh doanh trên thị trường thời trang trẻ em, tôi nhận thấy một điều đáng mừng là đã xuất hiện thêm nhiều thương hiệu nội địa gia nhập. Họ không chỉ là đối thủ, mà còn là những người cùng mình khai phá thị trường", Founder Rabity cho biết.