Tùng Dương từng bị nhạc sĩ Trần Hoàn chê yếu, khó học được thanh nhạc

Trong đêm nhạc kỷ niệm 30 năm ca hát, Tùng Dương đã mang lại cho khán giả những màn trình diễn mãn nhãn trên sân khấu được tạo nên bằng công nghệ 3D mapping...

Với gần 30 bài hát tới tận 12h đêm, ca sĩ Tùng Dương níu chân hơn 4.000 khán giả ở lại bằng những màn trình diễn thăng hoa trong liveshow kỷ niệm 20 năm ca hát tối 25/11 tại Hà Nội. 

Người hâm mộ Tùng Dương ở nhiều tỉnh thành như TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Tĩnh… cũng tề tựu ở Hà Nội dịp này. Họ muốn chứng kiến anh thăng hoa, sáng tạo trong liveshow đánh dấu chặng đường 20 năm làm nghề, tại khán phòng với sức chứa lớn nhất từ trước đến giờ.

Văn hoá - Tùng Dương từng bị nhạc sĩ Trần Hoàn chê yếu, khó học được thanh nhạc

Tùng Dương bùng nổ trong đêm nhạc kỷ niệm 20 năm ca hát của mình.

Liveshow của Tùng Dương được chia làm 4 chương và toàn bộ ca khúc đều được làm mới bằng các bản phối của giám đốc âm nhạc Nguyễn Hữu Vượng. Tùng Dương mở màn chương trình bằng bản mashup Trời và đất - Mang thai (Lưu Hà An - Sa Huỳnh) và sau đó khắc họa chân dung bản thân với sự kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Trong đêm nhạc, tri ân cố nhạc sĩ Trần Hoàn, người từng chê anh mảnh dẻ không đủ sức theo nghề hát nhưng vẫn giới thiệu anh với thầy Quang Thọ.

Anh kể: "16 tuổi, tôi không biết một nốt bẻ đôi nhưng được nhạc sĩ Trần Hoàn - ông họ - động viên thi vào nhạc viện. Lúc đó, tôi gầy gò ốm yếu, ngoại hình hom hem, không ai nghĩ tôi có thể thành nghệ sĩ biểu diễn. Nhạc sĩ Trần Hoàn nói: "Thể lực này chắc chắn không thành công được rồi nhưng cứ học đi. Học văn hóa không giỏi lắm thì học nhạc vậy".

Gặp thầy Quang Thọ, tôi được nhận ngay nhưng lúc ấy, ông cũng không kỳ vọng gì bởi nghĩ tôi sức khoẻ yếu. Đến khi vào học hệ trung cấp, tôi phát triển nhanh, không thua kém các bạn. Sau những vất vả ngày đầu tôi mới có ngày hôm nay".

Văn hoá - Tùng Dương từng bị nhạc sĩ Trần Hoàn chê yếu, khó học được thanh nhạc (Hình 2).

Trong đêm diễn, Tùng Dương thay 7 bộ trang phục.

Tùng Dương từng thi Sao Mai Điểm hẹn, cuộc thi như bệ phóng giúp cái tên Tùng Dương được nhiều người biết đến ở tuổi đôi mươi. Anh bắt đầu chinh phục các sân chơi chuyên nghiệp từ cuộc thi Giọng hát trẻ Hà Nội, Giọng hát hay Hà Nội nhưng phải đến Sao Mai Điểm hẹn 2004 mới được thừa nhận. 

Thời điểm ấy, mỗi đêm thi, Tùng Dương đều nhận những cơn mưa lời khen từ hội đồng nghệ thuật. Những ca khúc được Tùng Dương hát ở cuộc thi như Ôi quê tôi (Lê Minh Sơn), Mưa bay tháp cổ (Trần Tiến) Con cò (Lưu Hà An), Mẹ tôi (Trần Tiến)… đều trở thành hit và gắn bó với anh cho đến nay. Hát lại những ca khúc này trong liveshow, giọng của Tùng Dương vẫn nội lực, tinh quái và ma mị như thời Sao Mai điểm hẹn nhưng không còn quằn quại mà đã tĩnh tại, trưởng thành và làm chủ cảm xúc và sân khấu ở đẳng cấp khác.  

Sau 10 năm mới đứng chung sân khấu, màn kết hợp của anh và nhạc sĩ Lê Minh Sơn với ca khúc Ôi quê tôi được cổ vũ nhiều hơn cả ở chương này. Tùng Dương biết ơn Lê Minh Sơn vì đã làm cho mình album Chạy trốn còn nhạc sĩ gọi sự trưởng thành của ca sĩ là điều kỳ diệu. 

Nam ca sĩ từng có thời nghĩ rằng mình chỉ cần nghệ thuật thôi, không cần đại chúng trước khi nhận ra thế nào là “nghệ thuật vị nhân sinh” và mỗi nghệ sĩ đều cần cân bằng cả hai. Vì thế, anh giờ không ngại thử nghiệm hát nhạc xưa hay nhạc trẻ. Anh còn đưa vào phần này một số ca khúc ẩn chứa nhiều triết lý nhân sinh, thể hiện sự trưởng thành nhờ trải nghiệm trong cuộc sống riêng của mình như: Nếu là nữ biết đâu anh là em (Nguyễn Vĩnh Tiến), Cỏ và mưa (Giáng Sol). 

Văn hoá - Tùng Dương từng bị nhạc sĩ Trần Hoàn chê yếu, khó học được thanh nhạc (Hình 3).

Nhạc sĩ Lê Minh Sơn cùng Tùng Dương trên sân khấu.

Các khách mời: Thanh Lam, Hà Trần, Uyên Linh, Hà Lê, Lê Minh Sơn - mỗi khách mời là một gạch nối với âm nhạc của Tùng Dương. Bên cạnh đó, Hà Lê và Đào Tố Loan cũng có những bài hát cùng Tùng Dương khiến khán giả xúc động.

Với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau và sự góp mặt của các ca khúc thịnh hành ở thời điểm hiện tại, liveshow khắc họa Tùng Dương thực sự đa sắc. Đó cũng là bước tiến dài của anh so với thời mới bước chân vào nghề - từ một chàng trai ôm khư khư quan điểm chỉ hát nhạc diva, bộ tứ sông Hồng hay những ca khúc thể hiện cá tính nay đã biết cân bằng giữa nghệ thuật và thị trường. 

Kết thúc bằng bản mashup Con cò - Chiếc khăn Piêu - Oa Oa, Tùng Dương dường như muốn ám chỉ về sự tái sinh trong âm nhạc của mình sau 20 năm ca hát. Đó sẽ vẫn là Tùng Dương nhiều màu sắc nhưng đại chúng hơn.

Văn hoá - Tùng Dương từng bị nhạc sĩ Trần Hoàn chê yếu, khó học được thanh nhạc (Hình 4).

Hơn 3 tiếng diễn ra đêm nhạc, khán giả nhiều lần ố á, cảm thán không chỉ vì tiếng hát nội lực của Tùng Dương mà còn vì sân khấu tuyệt đẹp được tạo nên bằng công nghệ 3D mapping, những màn đu dây, nhào lộn hay nghệ thuật sắp đặt khéo léo để minh họa cho từng bài hát.

Tùng Dương nói anh không vung tay, chỉ đầu tư cho những thứ thích đáng, làm khán giả không chỉ thấy đã tai mà còn mãn nhãn khi theo dõi liveshow. Nam ca sĩ còn biến sân khấu thành sàn diễn thời trang của chính mình với 7 bộ trang phục cầu kỳ, lộng lẫy.