Thủ tướng yêu cầu: Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2

Thủ tướng cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng và quyết định, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

Chiều 2/2, Văn phòng Chính phủ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2023 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Đây là buổi họp báo đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 và diễn ra sau phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra cùng ngày.

Thông tin về phiên họp Chính phủ tháng 01 năm 2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết phiên họp nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 1, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháng 02 và thời gian tới; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 03 chương trình mục tiêu quốc gia; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; chủ trương xây dựng Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia; việc triển khai các nhiệm vụ sau Tết theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ và nhiều nội dung quan trọng khác.

Thủ tướng yêu cầu: Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2 - Ảnh 1.

Về tình hình kinh tế xã hội, mặc dù số ngày làm việc trong tháng 1 chỉ bằng 2/3 bình thường (do thời gian 2 kỳ nghỉ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán diễn ra trọn trong tháng), KTXH tháng 1/2023 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng .

Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng còn không ít khó khăn, thách thức. Trong đó nổi lên là: (1) Kinh tế vĩ mô chưa ổn định một cách bền vững; (2) Sức ép lạm phát còn cao; (3) Lĩnh vực tiền tệ, tài chính tiềm ẩn rủi ro, nhất là trái phiếu doanh nghiệp; (4) Thị trường bất động sản còn vướng mắc, bất cập; (5) Các thị trường lớn, thị trường truyền thống bị thu hẹp; (6) Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 8% so cùng kỳ (ngành chế biến, chế tạo giảm 9,1%); (7) Giải ngân đầu tư công, hợp tác công tư còn hạn chế; (8) Thu hút đầu tư nước ngoài gặp nhiều khó khăn; (9) Việc triển khai một số chính sách của 03 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH còn chậm, nhiều dự án còn dàn trải, manh mún, kéo dài...

Thời gian tới, dự báo tình hình có nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn , Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, bám sát các kết luận, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết 01 của Chính phủ và Chỉ thị 03 của Thủ tướng Chính phủ, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ được giao, chủ động giải quyết những vấn đề phát sinh, đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu.

Riêng đối với lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng , Chính phủ yêu cầu: (1) Tiếp tục ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện đồng thời cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, trong đó chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng và quyết định, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ.

(2) Điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng, chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, giữa tình hình trong nước và ngoài nước. Bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng phù hợp, hướng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

(3) Chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu NSNN, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời theo quy định pháp luật, trong đó, sớm triển khai thanh toán, thu phí, lệ phí, thuế bằng công nghệ số, nhất là dịch vụ ăn uống. Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không thực sự cần thiết; ưu tiên chi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng chiến lược như giao thông, y tế, văn hóa...

Về Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14,1 nghìn tỷ). Đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2.

Về 03 chương trình mục tiêu quốc gia , cần khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện, đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng chính sách, dự án có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp đặc thù riêng của địa phương.