Sở Y tế Tp.HCM kiến nghị lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện

Sở Y tế Tp. HCM kiến nghị UBND thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện để giải quyết những vấn đề vướng mắc liên quan hoạt động tự chủ tài chính.

Ngày 13/11, đại diện Sở Y tế cho biết Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện sẽ tham mưu UBND TP giải quyết những vướng mắc liên quan hoạt động của các bệnh viện. Thành viên hội đồng gồm đại diện lãnh đạo các sở, ngành như y tế, tài chính, kế hoạch đầu tư, tư pháp...

Quá nhiều bệnh viện khó khăn khi tự chủ

Kiến nghị thành lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện  xuất phát từ thực tế trong thời gian vừa qua, các bệnh viện gặp nhiều khó khăn trong tự chủ, thành phố chưa chuyển đổi cấu trúc quản lý của các bệnh viện (tương thích với mô hình tự chủ tài chính) như kinh nghiệm của các nước.

Sau 20 năm các bệnh viện tại Tp. HCM chuyển đổi từ cơ chế ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động sang cơ chế tự chủ chi thường xuyên, giúp ngân sách chi cho lĩnh vực y tế giảm từ 7% (năm 2016) xuống còn 2% (năm 2020).

Một số bệnh viện phát triển tốt cả về chuyên môn kỹ thuật lẫn chất lượng phục vụ người bệnh. Tuy nhiên, còn rất nhiều bệnh viện gặp khó khăn, xuất hiện khoảng cách ngày càng lớn giữa các bệnh viện công lập, nhất là khoảng cách về mức thu nhập tăng thêm giữa nhân viên y tế của các bệnh viện.

Đáng nói, thời gian gần đây, nhiều bệnh viện không còn nguồn tích lũy để chi trả thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Thu nhập không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình buộc nhân viên y tế nghỉ việc để chuyển đổi sang bệnh viện tư nhân hoặc chuyển nghề. 

Chính sách - Sở Y tế Tp.HCM kiến nghị lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện

Lượt khám bệnh giảm sút tại bệnh viện Trưng Vương thời gian qua khiến bệnh viện khó khăn khi tự chủ

Đáng nói, mới đây, Ngành Y tế Tp.HCM đã chi ngân sách để hỗ trợ 17 bệnh viện công lập trên địa bàn Thành phố chi trả khoản tăng thêm thu nhập cho nhân viên y tế.

Sở Y tế Tp. HCM cho rằng, đây là hệ quả của hoạt động tự chủ bệnh viện chưa bền vững. Sau dịch Covid-19,  một số bệnh viện có số lượt khám chữa bệnh giảm sâu và nguồn thu giảm sút tương ứng.

Giá viện phí chưa được tính đúng, tính đủ là trở ngại dễ thấy và ảnh hưởng lớn nhất đến hoạt động của các bệnh viện trong nhiều năm qua khi chuyển đổi sang cơ chế tự chủ tài chính.

Kinh nghiệm tốt từ mô hình tự chủ ở các nước

Theo đại diện Sở Y tế Tp.HCM, kinh nghiệm các nước khi chuyển đổi bệnh viện sang cơ chế tự chủ cho biết việc chuyển đổi cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng với mô hình tự chủ đóng vai trò quan trọng. 

Hiện nay, trên thế giới có 4 mô hình quản trị bệnh viện, bao gồm: mô hình bệnh viện nhà nước, hoạt động dựa vào ngân sách cấp (Government model), mô hình bệnh viện tự chủ (Board model), mô hình bệnh viện doanh nghiệp (Corporate model), mô hình bệnh viện tư nhân (Private model).

Trong đó, mô hình bệnh viện tự chủ đang được nhiều nước quan tâm và áp dụng do các lợi ích mang lại cho cả người bệnh và bệnh viện từ loại hình này. Hai yếu tố quan trọng mang tính quyết định cho sự thành công khi chuyển đổi các bệnh viện công lập sang mô hình tự chủ chính chính là điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo hướng tính đúng, tính đủ và thay đổi cấu trúc quản lý bệnh viện tương ứng. 

Cho đến thời điểm hiện nay, hầu hết các bệnh viện công lập trực thuộc Sở Y tế Tp.HCM (45/50 bệnh viện) đã thực hiện tự chủ chi thường xuyên nhưng giá dịch vụ khám, chữa bệnh cũng chỉ mới kết cấu 2 trong 4 yếu tố là chi phí tiền lương và các chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, vật tư, điện, nước, xử lý rác thải, nước thải), còn các chi phí khác vẫn chưa được kết cấu vào giá (chi phí khấu hao tài sản cố định, chi phí duy tu sửa chữa tài sản, chi phí công nghệ thông tin; chi phí quản lý, chi phí đào tạo,…). Để ổn định nguồn thu chính đáng cho các bệnh viện, rất cần sớm điều chỉnh giá viện phí theo hướng tính đúng tính đủ. 

Chính sách - Sở Y tế Tp.HCM kiến nghị lập Hội đồng tư vấn tự chủ bệnh viện (Hình 2).

Nhân viên y tế gặp khó khăn trong thời gian qua ở một số bệnh viện. Ảnh minh họa

Thực tế, trong quá trình hoạt động theo mô hình tự chủ, Giám đốc các bệnh viện sẽ gặp khó khăn khi ra các quyết định liên quan đến sử dụng nguồn lực của bệnh viện mà thiếu tư vấn, thảo luận của các chuyên gia am hiểu sâu về các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, đầu tư,…

Như vậy, nếu chuyển sang mô hình quản lý mới (tự chủ tài chính) mà vẫn giữ cấu trúc bộ máy quản lý cũ (hoạt động theo kế hoạch và ngân sách được giao) thì bệnh viện luôn trong tình trạng có nhiều nguy cơ và rủi ro. Kinh nghiệm của một số nước trong giải quyết trở ngại này là chuyển đổi mô hình quản lý bệnh viện kiểu cũ sang mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp. 

Cụ thể như tại Cộng hoà Síp, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Y tế Thế giới, quốc gia này đã chuyển đổi cấu trúc quản lý bệnh viện kiểu cũ sang mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp, theo đó, Hội đồng quản trị (Board of Directors – BOD) là hội đồng cao nhất, ngoài Chủ tịch và Phó chủ tịch, Hội đồng quản trị còn bao gồm các thành viên chính phủ đại diện của các Bộ (Sở) Tài chính, Bộ (Sở) Y tế, đại diện chính quyền địa phương, đại diện người bệnh (hội đồng người bệnh) và các Giám đốc và Phó giám đốc chuyên môn của bệnh viện. Dưới Hội đồng quản trị là Ban điều hành bệnh viện (Executive Board) bao gồm các giám đốc, phó giám đốc và các trưởng phòng chức năng như hiện nay. 

Như vậy, theo mô hình hội đồng quản lý bệnh viện 2 cấp, cả Giám đốc và Phó giám đốc chuyên môn đều là thành phần không thể thiếu trong Hội đồng quản trị bệnh viện và Ban điều hành bệnh viện.

Nguyễn Lành