Chuyện ngư dân ở "phố biển"

Trước tốc độ “du lịch hóa” nhanh chóng tại phố biển Sầm Sơn, thì biển vẫn là nhà, là sinh kế bền vững của những ngư dân thuần chất nơi đây.

Giữ cột cờ trên biển quê hương

Sầm Sơn vốn hình thành từ những xóm chài nhỏ ven biển với sự bao bọc của núi Sầm (Trường Lệ) và cửa Lạch Trào của sông Mã dồn dập đổ ra biển. Được thiên nhiên ưu đãi với nguồn thủy sản dồi dào, từ xa xưa người dân nơi đây vẫn lấy việc ra khơi bám biển là kế sinh nhai thường nhật, nuôi sống bao thế hệ. Tuy nhiên, với sự khám phá của người Pháp từ hơn 100 năm trước, cùng xu hướng phát triển của thời đại, tiềm năng của phố biển Sầm Sơn trở thành một trong những địa chỉ du lịch trọng điểm của cả nước.

Như truyền thống bao đời nay, hầu như thanh niên trai tráng nơi đây đã được cha ông truyền dạy và biết đi biển từ nhỏ. “12 tuổi, tôi đã được bố và các cụ cao niên trong làng cho đi bọ (PV- phụ việc) trên thuyền, từ đó làm quen với sóng biển cũng như các kỹ năng và rồi nghề biển đã gắn bó với tôi tới tận bây giờ”, anh Nguyễn Hữu Quang, Thuyền trưởng đã ngoài 40 tuổi với làn da sạm muối chia sẻ.

Với anh Quang cũng như nhiều người khác cùng trang lứa, anh là thế hệ “chuyển giao”. Anh đang chứng kiến rõ ràng nhất sự thay da đổi thịt của vùng đất Sầm Sơn. Trong đó, là sự giằng xé giữa “lên bờ” làm du lịch và tiếp tục bám biển.

Dân sinh - Chuyện ngư dân ở 'phố biển'

Tình yêu nghề, yêu biển quê hương là động lực để ngư dân Sầm Sơn vươn khơi bám biển.

Thực tế, với những ngư dân như anh Quang, đã từng đối diện, chứng kiến vô vàn hiểm nguy trước ranh giới mong manh khi sóng to gió lớn, thì việc lên bờ cũng là một quyết định dễ hiểu của nhiều người. “Khoảng mấy năm trước, cũng có nhiều anh em bạn thuyền bán thuyền và cả bán đất để đi làm du lịch. Nói thật, mỗi khi nhớ lại cảnh tượng ôm can rỗng lênh đênh trên biển, rồi may mắn được thuyền bạn tới cứu sống cũng thấy rùng mình. Nhưng thực sự với tuổi tôi việc chuyển đổi sang công việc mới, nhất là dịch vụ du lịch cũng không dễ dàng gì. Và sau đợt Covid vừa rồi, bám biển như tôi có khi lại hay”, anh Quang tếu táo nói.

Cũng theo những chia sẻ lạc quan từ anh Quang, việc đi biển bây giờ cũng cho thu nhập khá, khi “du lịch tới” giá bán các loại hải sản cũng tốt hơn. Phương tiện đi biển cũng được đầu tư, thông tin liên lạc thường xuyên hơn…đảm bảo an toàn cho người dân khi vươn khơi bám biển. “Có thể sau này các con tôi sẽ có lựa chọn khác, nhưng với chúng tôi, mỗi lần ra khơi với lá cờ Tổ quốc phấp phới, đó là hy vọng cùng niềm vui sướng xen lẫn sự tự hào với biển quê hương”, anh Quang chia sẻ.          

Bài toán "2 trong 1"

Năm nay, lượng du khách tới Sầm Sơn tạo những kỷ lục mới với hơn 7 triệu người cùng doanh thu hơn 14.000 tỷ đồng. Trong tổng kết du lịch Sầm Sơn 2022, ông Nguyễn Văn Tú, Chủ tịch UBND Tp.Sầm Sơn cũng đã nhấn mạnh về quyết tâm xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị biển trọng điểm trong nước và quốc tế.

Dân sinh - Chuyện ngư dân ở 'phố biển' (Hình 2).

Bến thuyền ẩn mình dưới những dãy khách sạn cao tầng đang đua nhau mọc lên ở Tp.Sầm Sơn. 

Ông Vũ Đình Chinh, Trưởng phòng Kinh tế Tp.Sầm Sơn cho rằng, khu vực ven biển của tỉnh Thanh Hóa, trong đó có Sầm Sơn được thiên nhiên ban tặng với bãi biển đẹp, có tiềm năng rất lớn phát triển thành những khu du lịch, đô thị biển hiện đại, hấp dẫn, thân thiện, đô thị du lịch trọng điểm quốc gia, điểm đến lý tưởng của du khách trong nước và quốc tế. Do đó, Sầm Sơn xác định trọng tâm phát triển du lịch, tuy nhiên đồng thời vẫn thực hiện hỗ trợ, phát triển hài hòa nghề biển truyền thống.

“Hiện tại, chúng tôi vẫn đang sắp xếp một khu vực bãi biển để ngư dân hoạt động, tuy nhiên, việc này lâu dài cũng gây bất cập. Vì vậy, chúng tôi đang tính toán phương án hỗ trợ kinh phí để ngư dân di chuyển tới khu vực phù hợp hơn hoặc đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp”, ông Chinh cho biết.

Quay trở lại với câu chuyện của ngư dân, với họ, biển vẫn là sinh kế, là tình yêu. Và hơn hết, trên mỗi con thuyền còn là một cột cờ ngoài biển xa của Tổ quốc. Vì vậy, hài hòa để phát triển kinh tế địa phương, duy trì nghề biển truyền thống tại các đô thị biển là bài toán vừa dễ vừa khó.

Ông Lê Minh Lương, Phó Chi Cục trưởng, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa nói: Hiện tỉnh này có 2.419 tàu cá, với hơn 4.012 lao động trực tiếp bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển khu du lịch biển, đô thị biển. Vì vậy, chính sách hỗ trợ giải bản tàu cá ven bờ tại các khu du lịch biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 – 2025 được đặt ra. Tuy nhiên, qua thăm dò, chỉ có trên 5% ý kiến đồng thuận cùng nhiều hạn chế khác nên chưa thực hiện được.  

Link nội dung: https://www.phapluatcuocsong.net/chuyen-ngu-dan-o-pho-bien-a34931.html