Tăng thuế - biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất

Giá thuốc lá ở Việt Nam nằm trong nhóm rẻ nhất (dưới 1 USD) và tăng rất chậm so với thu nhập, chi phí trung bình cho một bao thuốc hầu như không đổi 10 năm qua.

Phát biểu tại Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển 2022 được tổ chức sáng 24/11, Th.S. Đào Thế Sơn – Giảng viên trường Đại học Thương mại cho biết: "Chính sách thuế không chỉ tác động  trên nền kinh tế vĩ mô mà nó còn có mối quan hệ mật thiết với sức khỏe. Tiêu biểu là mối quan hệ giữa thuế tiêu thụ đặc biệt và sức khỏe".

Theo Th.S Đào Thế Sơn, 5 yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam là Dinh dưỡng, thuốc lá, tăng huyết áp, không khí trong nhà và rượu bia. Trong đó, bệnh do hút thuốc gây ra hơn 8 triệu ca tử vong, với 1 triệu ca tử vong do hít thuốc thụ động. Chiếm khoảng 14% số ca tử vong hằng năm trên toàn cầu (cứ 7 người tử vong thì 1 người là do thuốc lá). Việt Nam là nước có tỉ lệ hút thuốc lá cao nhất khu vực.

Chính sách - Tăng thuế - biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất

Th.S. Đào Thế Sơn – Giảng viên trường Đại học Thương mại

Gánh nặng thuốc lá gây ra tại Việt Nam là rất lớn, tác động mạnh đến sự phát triển chung. Hiện nay, tại Việt Nam có trên 15 triệu người hút thuốc. Trong đó 50% số người hút sẽ tử vong sớm, tương đương với 7,5 triệu người (40-70 ca/năm). ước tính chi phí kinh tế (trực tiếp và gián tiếp) là trên 67.000 tỷ đồng/năm. 

Trong khi đó, giá thuốc lá ở Việt Nam nằm trong nhóm rẻ nhất (dưới 1 USD). Giá cả thuốc lá tăng rất chậm so với thu nhập, chi phí chi trả trung bình cho một bao thuốc hầu như không thay đổi sau 10 năm (trung bình 14 - 15 nghìn đồng/bao). Việt Nam lại có lộ trình tăng thuế chậm và các mức tăng cũng không đủ lớn. 

Đặc biệt, Th.S Đào Thế Sơn cho rằng thuế là biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất. Không những thế, tăng thuế có tác động tới nâng cao sức khỏe, giảm chi phí y tế. Với mức tăng thuế đủ lớn, sẽ giảm được số người hút thuốc, dẫn đến giảm bệnh tật và tử vong.

Tăng thuế còn tác động tới hộ gia đình và người nghèo. Bởi tỉ lệ chi phí thuốc lá cao nhất lại nằm trong nhóm hộ gia đình có thu nhập thấp. Và chi phí cho thuốc lá sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu cho giáo dục đối với những hộ gia đình này. 

Ông Sơn cũng nhấn mạnh, chính sách thuế cần được điều chỉnh đối với các sản phẩm tiêu thụ đặc biệt như thuốc lá, cần thể hiện vai trò chủ đạo trong giảm tiêu dùng như thuốc lá. Sử dụng giá bán lẻ làm cơ sở tính thuế và tỉ lệ thay vì giá xuất xưởng như hiện tại. Để giảm khả năng chi trả cho thuốc lá nên tăng đáng kể thuế đối với thuốc lá và điều chỉnh thường xuyên để bắt kịp với lạm phát và tăng trưởng thu nhập.

Chính sách - Tăng thuế - biện pháp kiểm soát thuốc lá hiệu quả nhất (Hình 2).

TS. Nguyễn Thị Kim Dung, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Về vấn đề này, trong phiên thảo luận, TS. Nguyễn Thị Kim Dung, Giảng viên Bộ môn Tài chính công, Viện ngân hàng Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng chia sẻ. Về tăng thuế hàng hóa tiêu thụ đặc biệt không chỉ đơn thuần về chính sách thuế, luật thuế mà còn cả vấn đề tuân thủ thuế. Vì vậy vấn đề chiến lực về xây dựng chính sách lâu dài cần được quan tâm, cần có một cuộc cách mạng chính sách thuế. Đánh mạnh vào những sản phẩm gây gánh nặng cho xã hội như thuốc lá, rượu bia.

Theo bà Dung, điều chỉnh thuế đối với các hàng hóa tiêu thụ đặc biệt vừa giảm thải những tính chất tiêu cực cho xã hội, vừa đảm bảo phát triển bền vững về lâu dài và đảm bảo nguồn thu ngân sách. Cân nhắc chính sách thuế không có sự chồng chéo giữa các loại hình, chú trọng vào các vấn đề tài nguyên, môi trường, giáo dục và cả dân sinh, giảm gánh nặng đối với thu nhập tiền công, tiền lương của người lao động.

Tại diễn đàn, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt nam cũng đã trình bày một số thay đổi trong chính sách thuế tại Việt Nam gần đây:  

- Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021 của các tài khoản tiền nợ thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê.

- Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV năm 2021 đối với hộ, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021.

- Cắt giảm 50% thuế trước bạ và hoãn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất trong nước đến hết tháng 5/2022.

- Giảm 15% tiền thuê đất, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng máy bay từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2020.

- Miễn thuế cho thiết bị y tế, giảm lệ phí đăng ký kinh doanh, có hiệu lực từ ngày 25/2/2020 (miễn thuế đăng ký kinh doanh một năm đối với các hộ kinh doanh mới thành lập; miễn thuế đăng ký kinh doanh 3 năm đầu đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ).

- Gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất năm 2021. 

Mỹ Sao

Link nội dung: https://www.phapluatcuocsong.net/tang-thue-bien-phap-kiem-soat-thuoc-la-hieu-qua-nhat-a28578.html