Nguyên nhân hoàn toàn bất ngờ gây mệt mỏi kéo dài sau COVID-19

(NLĐO) - Virus gây bệnh COVID-19 không phải nguyên nhân trực tiếp gây mệt mỏi kéo dài hậu nhiễm, mà là một virus khác được nó đánh thức, theo nghiên cứu mới từ Thụy Điển.

Theo News-Medical, nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi giáo sư Anders Rosén từ Khoa Khoa học y sinh và lâm sàng của Trường Đại học Linköping (Thụy Điển) đã tìm ra bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có thể làm thức tỉnh một trong những loại virus mà ai cũng nhiễm nhẹ thời thơ ấu, đó là Epstein-Barr (EBV).

EBV là một trong các loại virus herpes tồn tại ở người, thường không gây triệu chứng khi bị nhiễm vào thời thơ ấu, hoặc triệu chứng chỉ rất mơ hồ và khó phân biệt với các bệnh vặt khác.

Tuy nhiên nó đã gây phiền toái cho một số bệnh nhân COVID-19 , bao gồm người bệnh nhẹ, khi bỗng dưng tái hoạt, nghiên cứu mới chỉ ra.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Rosén đã kết hợp với Phòng khám Bragee ở Stockholm - Thụy Điển đã xem xét 95 bệnh nhân có những triệu chứng của hội chứng mệt mỏi mạn tính, vốn thường khởi phát sau một đợt nhiễm virus nào đó trong đời, cùng 100 người khỏe mạnh để đối chứng.

Khoảng 1/2 tình nguyện viên gồm 58% người bị mệt mỏi mạn tính và 41% trong những người không bị được xác định mắc COVID-19 trong đợt đầu tiên của đại dịch, hầu hết chỉ là bệnh nhẹ, trong đó tỉ lệ nhiễm không triệu chứng lên tới 1/3.

Tuy nhiên sau khi SARS-CoV-2 qua đi, cho dù chỉ là cơn bệnh nhẹ, các nhà khoa học đã tìm thấy dấu vết kháng thể để đối đầu với 3 loại virus tiềm ẩn trong nước bọt những người tham gia, chứng tỏ sự tái hoạt động của virus.

Trong số đó đáng chú ý là EBV, bởi có thể gây ra mệt mỏi kéo dài. Sự kích hoạt này được tìm thấy ở nhiều bệnh nhân, nhưng những người bị mệt mỏi rõ ràng cho thấy sự kích hoạt mạnh mẽ hơn những người khác.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phát hiện này sẽ đưa đến hướng đi đúng trong việc xét nghiệm tìm kiếm sự tái hoạt của EBV, từ đó chẩn đoán đúng những người bị kích hoạt tình trạng mệt mỏi mạn tính sau COVID-19, từ đó có những biện pháp điều trị thích hợp bởi mệt mỏi mạn tính là một vấn đề ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống.

Nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí y học Frontiers in Immulogy.