Mỹ thử nghiệm siêu vắc-xin 20 thành phần chống đại dịch tương lai

(NLĐO) - Nhóm nghiên cứu từ Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvaina (Mỹ) đã dùng công nghệ mRNA để tạo ra một siêu vắc-xin cúm ngừa được tới 20 chủng khác nhau, bao gồm các chủng chết người nhất.

Theo Reuters và Medical Xpress, một báo cáo được công bố bởi Ủy ban Y tế Mỹ hôm 24-11 đã trình bày về một siêu vắc-xin cúm đa thành phần mới đang được thử nghiệm, có thể chống lại 20 chủng cúm khác nhau bao gồm các chủng gây chết người nhiều nhất.

Công nghệ vắc-xin đa thành phần (vắc-xin đa giá) đã được dùng từ lâu trong vắc-xin cúm. Các vắc-xin ngừa cúm mùa phổ biến hiện nay thường là vắc-xin tứ giá, ngừa 2 chủng cúm A H1N1, H3N2 và 2 chủng cúm B.

Điểm khác biệt lớn nhất của "siêu vắc-xin" mới là nó được thiết kế bằng công nghệ mRNA, là công nghệ mới mà Pfizer và Moderna đã sử dụng để sản xuất vắc-xin COVID-19.

Mỹ thử nghiệm siêu vắc-xin 20 thành phần chống đại dịch tương lai - Ảnh 1.

Một tấm pa-nô khuyến khích mọi người tiêm ngừa cúm được dựng trước một nhà thuốc ở Mỹ - Ảnh: REUTERS

Vắc-xin mới khi được tiêm và hấp thụ vào tế bào của người nhận sẽ bắt đầu tạo ra các bản sao của protein virus cúm chính, protein hemagglutinin, cho tất cả 20 phân nhóm hemagglutinin của cúm bao gồm H1 đến H18 của virus cúm A và 2 phân nhóm của virus cúm B.

"Ý tưởng ở đây là tạo ra một loại vắc-xin cung cấp cho mọi người mức độ ghi nhớ miễn dịch cơ bản đối với nhiều chủng cúm khác nhau, do đó sẽ có ít ca bệnh và tử vong hơn khi xảy ra đại dịch cúm tiếp theo" - Giáo sư vi sinh Scott Hensley từ Trường Y khoa Perelman, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.

Vắc-xin mới này được kỳ vọng sẽ mang tác dụng giống vắc-xin COVID-19: Tuy chỉ làm hạn chế số ca bệnh chứ không chống lây nhiễm hoàn toàn, nhưng sẽ chống được bệnh nặng và tử vong. Nó cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra "trí nhớ miễn dịch" dài hạn.

Giáo sư Hensley cho biết họ đã đạt được kết quả khả quan trong các bước thử nghiệm đầu tiên, bao gồm thử nghiệm động vật. Họ đang tiếp tục với các thử nghiệm lâm sàng (trên người).

Trong thử nghiệm động vật, kháng thể chống lại 20 chủng cúm đã duy trì được mức rất cao tròng ít nhất 4 tháng và phản ứng mạnh trước các mầm bệnh. Vắc-xin cũng không tạo ra tương tác bất lợi với sự đề kháng có được từ vắc-xin cúm thông thường hay các lần bệnh cúm trước đó, do đó không sợ làm sai lệch phản ứng miễn dịch.

Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh đây là một loại vắc-xin nhằm chuẩn bị cho đại dịch cúm tương lai. Cúm tuy hiện được coi là bệnh truyền nhiễm theo mùa, nhưng cũng gây nên rất nhiều ca tử vong hàng năm, nhất là ở các nước có mùa đông lại.

Nhiều lần trong lịch sử loài người, các chủng cúm trỗi dậy với đột biến mới, tạo ra một dòng đủ mạnh để gây đại dịch, mà gần nhất là loại H1N1 gây cúm đại dịch 2009, cũng được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố là tình trạng khẩn cấp toàn cầu như COVID-19 hiện nay.

Nổi tiếng hơn là đại dịch cúm Tây Ban Nha xảy ra 1 thế kỷ trước COVID-19 (1918-1919), giết chết ít nhất hàng chục triệu người trên khắp thế giới.