Một cách làm nhân văn cho những người từng lầm lỡ

(Chinhphu.vn) - Thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, đến nay, nhiều mô hình hỗ trợ người bán dâm trở lại với cuộc sống đã được triển khai ở nhiều địa phương. Những mô hình này đã giúp người bán dâm tìm cho mình một cuộc sống mới, đồng thời cũng cho thấy cách làm hết sức ý nghĩa nhân văn của Chương trình.

 Với những kết quả tích cực bước đầu khi thực hiện Chương trình phòng, chống mại dâm của Chính phủ, phóng viên Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Cao Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) xung quanh vấn đề này.

Lồng ghép phòng, chống mại dâm với dự phòng lây nhiễm HIV

Xin ông cho biết tình hình phòng, chống mại dâm tại các địa phương trong thời gian qua như thế nào?

Phó Cục trưởng Cao Văn Thành: Trong hai năm qua, mặc dù chịu tác động của dịch COVID-19 nhưng tệ nạn mại dâm vẫn diễn ra phức tạp. Hoạt động mại dâm biến tướng dưới hình thức "hợp đồng", nhận con nuôi-bố nuôi (sugar-baby, sugar-daddy)... ngày càng phổ biến.

Bên cạnh đó, tình trạng người Việt Nam ra nước ngoài hoạt động mại dâm có dấu hiệu tăng trở lại, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ của một số phụ nữ nhằm lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt đưa ra nước ngoài bán dâm.

Đặc biệt, tại một số địa phương ở khu vực biên giới tồn tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm thu hút nhiều phụ nữ ở các địa phương trong nội địa sang nước bạn làm nhân viên phục vụ và có dấu hiệu tham gia hoạt động mại dâm tại các cơ sở kinh doanh nước sở tại làm chủ.

Trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19, các cơ sở kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà nghỉ, cà phê vườn, cà phê "chòi", karaoke, massage… mặc dù tạm dừng hoạt động nhưng lại gia tăng các loại mại dâm trá hình của các nhóm tội phạm. Từ quý II/2022 đến nay, khi biện pháp giãn cách xã hội được gỡ bỏ, tệ nạn mại dâm xuất hiện trở lại và có xu hướng gia tăng.

Theo số liệu thống kê của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, cả nước hiện có 9.866 người bán dâm có nhu cầu được hỗ trợ. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn nhiều do hoạt động mại dâm diễn ra tinh vi, trá hình, kín đáo và chủ yếu sử dụng điện thoại di động, các trang mạng xã hội như Zalo, Faceboook, Viber... để trao đổi, liên lạc.

Như chúng ta đã thấy, tệ nạn mại dâm có tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự xã hội, là một trong những nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm khác như mua bán người vì mục đích mại dâm, sử dụng trái phép chất ma tuý, xâm hại tình dục trẻ em, hiếp dâm... Mặt khác, người bán dâm cũng bị ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe sinh sản, tình dục bởi hành vi mua bán dâm và có nguy cơ bị bạo lực, bị chiếm đoạt tài sản, tiền bạc hoặc "gán nợ", bị ép buộc kéo dài thời gian phục vụ nhưng không được trả tiền.

Vừa qua, Thủ tướng có phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, việc truy quét tệ nạn này, đồng thời hỗ trợ gái mại dâm được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Phó Cục trưởng Cao Văn Thành: Ngày 28/9/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1629/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025, theo đó, có 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm mục đích ngăn ngừa, kiểm soát tệ nạn mại dâm.

Bám sát vào các nhóm nhiệm vụ cơ bản nêu trên, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQG), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng với các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương đã nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp và đạt được một số kết quả nhất định.

Cụ thể, chúng tôi đã kịp thời ban hành các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn và chỉ đạo tổ chức triển khai các giải pháp, nhiệm vụ của Chương trình đến các cấp, các ngành theo nhiệm vụ được phân công cụ thể; nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm phòng ngừa mại dâm trên các phương tiện thông tin đại chúng; thường xuyên tổ chức linh hoạt với nhiều hình thức phù hợp với từng nhóm đối tượng "mục tiêu" của Chương trình. Đồng thời hằng năm, tổ chức được gần 100.000 cuộc truyền thông về phòng, chống mại dâm thu hút hàng triệu người tham gia; các hình thức cấp phát tờ rơi, tuyên truyền khẩu hiệu, pano, áp phích được tăng cường.

Bên cạnh đó, Chương trình phòng, chống mại dâm được thực hiện lồng ghép với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa bàn cơ sở như: Phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma túy; trợ giúp xã hội, dạy nghề, hỗ trợ việc làm, hỗ trợ vay vốn, giảm nghèo,…

Trong công tác quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra, Đội kiểm tra liên ngành phòng, chống mại dâm 178 của các địa phương đã tiến hành kiểm tra 21.862 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ lợi dụng để hoạt động mại dâm, phát hiện 5.035 cơ sở vi phạm; xử lý bằng hình thức nhắc nhở, cảnh cáo 1.688 cơ sở; phạt tiền 2.901 cơ sở với số tiền 34,4 tỷ đồng; 132 cơ sở bị đình chỉ kinh doanh; 16 cơ sở bị đình chỉ giấy phép hoạt động; 298 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung.

Chúng tôi cũng phối hợp với các địa phương thực hiện các chuyên đề phối hợp truy quét tại địa điểm công cộng và triệt phá tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Qua đó, các vụ án bị truy tố, xét xử được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, việc xây dựng, triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại, phòng ngừa lây nhiễm các bệnh xã hội và HIV/AIDS, phòng ngừa, giảm tình trạng bạo lực trên cơ sở giới trong phòng, chống mại dâm cũng được đề cao. Chúng tôi lồng ghép với chương trình dự phòng lây nhiễm HIV. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố tiếp tục duy trì thực hiện các hỗ trợ đối với người bán dâm để hoà nhập cộng đồng thông qua thí điểm các mô hình của giai đoạn 2026 - 2022. Đó là các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, qua trung tâm công tác xã hội; mô hình bảo đảm quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; mô hình tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới.

Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương đã tổ chức nhiều khóa đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống mại dâm.

Nhiều mô hình hỗ trợ nhân văn giúp người từng lầm lỡ vươn lên trong cuộc sống

Như thông tin ông vừa trao đổi, hiện nay, nhiều địa phương đã thực hiện mô hình hỗ trợ xã hội đối với người bán dâm tại cộng đồng. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các mô hình này?

Phó Cục trưởng Cao Văn Thành: Sau khi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 có hiệu lực thi hành thì cho đến nay, Bộ LĐTB&XH đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ về việc thực hiện đổi mới các giải pháp hỗ trợ người bán dâm hoà nhập cộng đồng. Trong Chương trình quốc gia về phòng, chống mại dâm, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, cho phép thực hiện thí điểm các chính sách hỗ trợ người bán dâm hoà nhập cộng đồng thông qua các mô hình thí điểm.

Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, giai đoạn 2016 - 2020, cả nước đã xây dựng và tổ chức triển khai được 113 điểm mô hình tại 21 tỉnh thành phố với 4.463 người bán dâm được hỗ trợ. Trong đó có 556 lượt người được vay vốn sản xuất kinh doanh; 779 lượt người được học nghề, tạo việc làm.

Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021 - 2025 tiếp tục cho phép xây dựng, nhân rộng các mô hình thí điểm có hiệu quả của giai đoạn 2016 - 2020 theo hướng hỗ trợ trao quyền và tăng cường sự tham gia của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc giải quyết các vấn đề liên quan. Tính đến nay, có 15 địa phương tiếp tục duy trì theo 3 khung mô hình thí điểm của Chương trình phòng, chống mại dâm, trong đó có 7 địa bàn triển khai mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ người bán dâm tại cộng đồng, trung tâm công tác xã hội; 15 địa bàn thực hiện mô hình bảo đảm quyền cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm; 9 địa bàn triển khai mô hình tăng cường năng lực các nhóm đồng đẳng/nhóm tự lực/câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng chống bạo lực giới.

Ngoài ra, một số tỉnh, thành phố duy trì triển khai một số mô hình từ giai đoạn trước như tỉnh Quảng Ninh có 8 địa bàn triển khai duy trì mô hình phát huy sức mạnh cộng đồng trong phòng, chống mại dâm; tỉnh Hải Dương có 8 địa bàn; tỉnh Kiên Giang có 3 địa bàn; tỉnh Bình Thuận có 1 địa bàn duy trì triển khai mô hình phòng ngừa mại dâm tại cộng đồng kết hợp với các biện pháp phòng ngừa, giảm tác hại về phòng, chống HIV trong phòng, chống mại dâm tại các xã phường thị trấn được thành lập từ giai đoạn 2011 - 2015.

Kết quả đạt được là đã có8.522 người bán dâm có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ hỗ trợ xã hội. Trong đó, số được tư vấn, trợ giúp pháp lý là 734 người; số được hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe là 8.625 người; số được cung cấp dục vụ phòng, chống lây nhiễm HIV là 6.378 người…

Nhiều người bán dâm đã coi trung tâm công tác xã hội như ngôi nhà thứ hai của họ. Họ gặp gỡ, trao đổi, sẻ chia với những đồng đẳng viên hay những người làm công tác xã hội khó khăn của mình. Các mô hình thực sự phát huy hiệu quả, dang tay, tạo điều kiện cho những người từng bán dâm được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, được tư vấn pháp lý, tự tin quay trở lại với cuộc sống thường ngày. Điều này cho thấy đây là cách làm hết sức nhân văn và ý nghĩa.

Đơn cử một ví dụ như tại Hà Nội, trong giai đoạn 2019-2020, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Sở LĐTB&XH Hà Nội) phối hợp với quận Hoàng Mai triển khai thí điểm mô hình "Hỗ trợ tăng cường năng lực của các nhóm đồng đẳng, nhóm tự lực, câu lạc bộ của người bán dâm trong việc tiếp cận, truyền thông và hỗ trợ giảm hại, phòng, chống bạo lực giới" tại phường Giáp Bát và phường Thịnh Liệt. Với sự ra đời của nhóm đồng đẳng mang tên Sao đêm gồm các thành viên là những người từng bán dâm đã hoàn lương. Mỗi tháng, nhóm Sao đêm đã tiếp cận và hỗ trợ hàng trăm gái mại dâm đến các dịch vụ hỗ trợ xã hội, đồng thời, tổ chức kết nối với các đơn vị cung cấp dịch vụ xã hội trên địa bàn để kịp thời hỗ trợ cho hàng trăm người bán dâm.

Tiếp tục hỗ trợ toàn diện cho người từng lầm lỡ

Với vai trò là cơ quan tham mưu chính sách, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội có thêm đề xuất gì để hỗ trợ, giảm hại giúp người bán dâm có cuộc sống ổn định, hòa nhập với cộng đồng, thưa ông?

Phó Cục trưởng Cao Văn Thành: Tôi cho rằng, để làm tốt nội dung này cần nhiều giải pháp đồng bộ và sự vào cuộc của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Với vai trò là cơ quan tham mưu, thường trực của UBQG, thời gian tới, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội tiếp tục tham mưu cho Bộ, trình Chính phủ để tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mại dâm với nhiều nhiệm vụ trọng tâm.

Một là, chỉ đạo, tổ chức triển khai Chương trình, trong đó, chú trọng việc xây dựng các mô hình thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ xã hội, hòa nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Trước mắt là tiếp tục thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ người bán dâm theo hai nhóm chính sách. Thứ nhất là chính sách, dịch vụ can thiệp giảm hại và phòng, chống bạo lực trong phòng, chống mại dâm. Thứ hai là chính sách, dịch vụ hỗ trợ hoà nhập cộng đồng đối với người bán dâm.

Bên cạnh đó, thí điểm các chính sách trên dựa trên phương pháp tiếp cận toàn diện về thời điểm hỗ trợ (người bán dâm đang tham gia hoạt động mại dâm có nhu cầu; người bán dâm có ý định từ bỏ hoặc giảm bớt tần suất bán dâm) và về gói dịch vụ hỗ trợ thiết yếu, toàn diện trong hỗ trợ người bán dâm có tính đến nhu cầu và khả năng đáp ứng thực tế.

Hai là tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003, trong đó, tập trung vấn đề hỗ trợ hoà nhập cộng đồng theo hướng cung cấp các dịch vụ xã hội, tạo cơ hội cho người bán dâm thay đổi để họ chủ động tìm kiếm công việc phù hợp, ổn định cuộc sống. Mặt khác, xây dựng "cơ chế tái hòa nhập trọn gói", bao gồm những loại dịch vụ như: Hỗ trợ y tế, tham vấn/hỗ trợ tâm lý, giáo dục kỹ năng sống, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, trợ giúp pháp lý.

Ba là xây dựng, ban hành các quy định về hỗ trợ đối với người bán dâm theo nguyên tắc: bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp, nhất là đối tượng yếu thế trong xã hội; không phân biệt đối xử và đáp ứng cơ bản các nhu cầu, nguyện vọng của đối tượng hỗ trợ, đặc biệt là đối với trẻ em bị ép buộc bán dâm.

Ngoài ra, bảo đảm quá trình tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững, có sự theo dõi, giám sát và hỗ trợ thường xuyên từ phía các cơ quan nhà nước, tổ chức, cộng đồng, gia đình. Quá trình hỗ trợ được thự hiện liên tục, không bị "bỏ lửng" hoặc "đứt đoạn".

Giang Oanh (thực hiện)