Đưa con voi khoảng 30 tuổi về trung tâm bảo tồn chăm sóc

Trước nguyện vọng của chủ voi, trung tâm bảo tồn tại tỉnh Đắk Lắk đang làm việc với các cơ quan chức năng để đưa con voi khoảng 30 tuổi từ Lâm Đồng về chăm sóc.

Chiều 23/11, ông Trần Xuân Phước, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đang làm việc với các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng để hoàn tất thủ tục, đưa voi Rôk về Trung tâm bảo tồn ở huyện Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk) để bảo bảo tồn, chăm sóc.

Theo ông Phước, voi Rôk được người đàn ông ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) nuôi dưỡng. Chủ voi cho biết, con voi này khoảng 30 tuổi do ông mua lại từ một đơn vị ở Tp.HCM khoảng 2 năm trước.

Thời gian gần đây, do khu chăn thả chật hẹp, nên chủ voi có nguyện vọng giao Rôk cho trung tâm bảo tồn voi, với mong muốn nó được chăm sóc tốt hơn.

Ông Phước thông tin thêm, trước đó, tháng 10/2021 một con voi cái ở xã Ea Rbin, huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) cũng được đơn vị đưa về huyện Buôn Đôn để chăm sóc, nuôi dưỡng trong môi trường bán tự nhiên nhằm đảm bảo cho voi sống trong môi trường phù hợp và phục vụ dự án bảo tồn.

Theo Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật, quản lý bảo vệ rừng Đắk Lắk, hiện nay trên địa bàn tỉnh còn khoảng 37 con voi nhà, 80-100 con voi hoang dã, giảm 90% số lượng so với năm 1980.

Sự kiện - Đưa con voi khoảng 30 tuổi về trung tâm bảo tồn chăm sóc

Hiện, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có khoảng 80-100 con voi hoang dã.

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ký quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi.

Dự án do tổ chức Animals Foundation (AAF, Hồng Kông, Trung Quốc) tài trợ, với tổng số tiền 55,452 tỷ đồng.

Trong đó, vốn viện trợ không hoàn lại là 50,888 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách sự nghiệp được bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi, cứu trị động vật và quản lý bảo vệ rừng hàng năm là 4,564 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi, nâng cao phúc lợi cho các cá thể voi nhà và duy trì, bảo tồn quần thể voi nhà trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Thời gian thực hiện dự án trong 4 năm, từ tháng 11/2022 đến tháng 11/2026. Địa điểm thực hiện trên địa bàn huyện Buôn Đôn và huyện Lắk gồm: Vườn quốc gia Yok Đôn; Trung tâm Bảo tồn voi, cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng; các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện Buôn Đôn; Ban Quản lý rừng lịch sử-văn hóa - môi trường Hồ Lắk.

Khánh Ngọc