Có khối u ở cổ, người phụ nữ đi khám và phát hiện mắc ung thư lưỡi

Người phụ nữ 56 tuổi có khối u to tại cổ, đau nhiều, ăn kém nên đã đi khám. Tại bệnh viện, bà phát hiện mắc ung thư lưỡi.

Ngày 12/3, các bác sĩ khoa Ngoại 2 - Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng - cho biết bệnh viện vừa phẫu thuật thành công ca bệnh ung thư lưỡi lan rộng bằng phương pháp tạo hình khó kèm cắt xương đòn.

Bệnh nhân là N.T. H.H. (56 tuổi, trú tại tỉnh Gia Lai) đến khám tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng vào ngày 7/2 trong tình trạng có khối u to tại cổ, đau nhiều, ăn kém. Qua thăm khám và thực hiện các chỉ định cận lâm sàng cần thiết, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân có khối u sùi lan rộng ở lưỡi, sàn miệng phải, hạch cổ bên phải cứng dính.

Kết quả chụp MRI cho thấy khối u vùng lưỡi phải có kích thước 34x24mm; di căn hạch cổ vùng cảnh thấp phải, xâm lấn tĩnh mạch cảnh trong. Sau khi được hội chẩn bởi hội đồng chuyên môn của Bệnh viện, xác định đây là một ca ung thư lưỡi lan rộng có chỉ định phẫu thuật. Bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Ngoại 2 tiến hành phẫu thuật cắt bỏ hết khối ung thư, nạo hạch và tạo hình lưỡi.

Bác sĩ Hồ Quảng Cơ (phẫu thuật viên chính của ê kíp mổ) cho hay, ca phẫu thuật cho bệnh nhân H. kéo dài hơn 8 giờ đồng hồ, được tiến hành theo hai bước. Các bác sĩ tiến hành cắt rộng khối khối ung thư và 1/2 lưỡi phải. Do khối u lan rộng có hạch xâm lấn gây chít hẹp gần hoàn toàn tĩnh mạch cảnh chung bên phải, nên phẫu thuật viên phải cắt cả tĩnh mạch cảnh khi nạo hạch. Trong quá trình tạo hình lưỡi cho bệnh nhân, ekip phẫu thuật lựa chọn sử dụng vạt da cơ ở vùng ngực để tạo hình lưỡi.

Hiện bệnh nhân H. đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, sức khỏe ổn định, vết mổ tiến triển tốt và sẽ được xuất viện khi vết mổ ổn định hoàn toàn.

Có khối u ở cổ, người phụ nữ đi khám và phát hiện mắc ung thư lưỡi - Ảnh 1.

Phẫu thuật thành công ca bệnh ung thư lưỡi lan rộng, tạo hình khó. Ảnh: BVCC

TS.BS Trần Hải Bình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ung thư lưỡi là một trong những loại ung thư khoang miệng. Triệu chứng ở giai đoạn sớm thường là cảm giác vướng trong khoang miệng, có thể kèm theo nuốt đau, tăng tiết nước bọt, nói khó, sờ hoặc nhìn thấy khối u (ví dụ khối u ở lưỡi di động).

Nguyên nhân ung thư lưỡi

- Hút thuốc lá

- Lạm dụng rượu

- Chế độ ăn ít hoa quả, rau xanh nhưng lại nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến

- Nhiễm virus gây u nhú ở người (human papillomavirus - HPV)

- Tiền sử gia đình có người bị ung thư lưỡi hoặc vùng miệng

- Đã từng bị ung thư trước đây, đặc biệt là ung thư tế bào biểu mô vảy ở vị trí khác.

Phòng tránh ung thư lưỡi

Để giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư lưỡi, có thể thay đổi một số hành vi lối sống như:

- Bỏ hút thuốc lá

- Bỏ nhai trầu

- Bỏ hoàn toàn hoặc hạn chế lượng rượu uống vào

- Chế độ ăn cân bằng, lành mạnh, nhiều rau xanh và hoa quả

- Thực hành vệ sinh răng miệng tốt: Dùng chỉ nha khoa, đánh răng thường xuyên, thăm khám định kỳ

- Tiêm phòng HPV

- Thực hành quan hệ tình dục an toàn và sử dụng màng chắn khi quan hệ bằng miệng.