Chỉ hơn 10% phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi

Một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho thấy chỉ 10,1% phụ huynh đồng ý cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Chỉ hơn 10% phụ huynh đồng ý tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi - Ảnh 1.

Trẻ mắc COVID-19 được điều trị tại một bệnh viện trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN

Ngày 11-11, Sở Y tế TP.HCM cho biết Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã khảo sát ý kiến 357 bà mẹ có con nhỏ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi, kết quả hiện chỉ mới có 36/357 bà mẹ đồng ý cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19 (10,1%).

Các lý do làm cho phần lớn các bà mẹ chưa đồng ý cho con mình tiêm vắc xin là tuổi của trẻ còn quá nhỏ, lo ngại tác dụng phụ, có ảnh hưởng tới sự phát triển của trẻ không, có thật sự an toàn không, trẻ đã từng mắc COVID-19 trước đó...

Tính từ tháng 1-2022 đến 10-2022, số trẻ dưới 5 tuổi bị mắc COVID-19 tại TP là 13.517, chiếm 4,27% tổng số trường hợp (316.683 trường hợp bệnh), cao hơn mức trung bình của thế giới.

Sở Y tế nhấn mạnh việc phòng ngừa nhiễm COVID-19 cho trẻ em là rất cần thiết, đặc biệt là tiêm vắc xin giúp ngăn ngừa sự xuất hiện biến chứng nặng có tên là "Hội chứng MIS-C" (Multisystem Inflammatory Syndrome in Children).

Hội chứng MIS-C là tình trạng viêm nhiều cơ quan khác nhau gồm: tim, phổi, thận, não, da, mắt, các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa ở trẻ có tiền sử mắc COVID-19 trước đó.

Các biến chứng nặng của MIS-C ở trẻ em thường liên quan đến hệ tim mạch, bao gồm viêm động mạch vành và giảm chức năng co bóp của cơ tim. Riêng biến chứng viêm mạch vành, nếu không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng lâu dài trên hệ tim mạch như giãn động mạch vành, thiếu máu cơ tim.

Sở Y tế cho biết một biện pháp phòng bệnh hữu hiệu là tiêm vắc xin phòng COVID-19, riêng đối với trẻ nhỏ, đã có những công trình nghiên cứu đánh giá tính hiệu quả, sơ bộ đã có kết quả như sau:

Đối với vắc xin Pfizer, các nghiên cứu đã công bố dữ liệu mới cho thấy Pfizer giảm nguy cơ mắc COVID-19 ở trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi.

Cụ thể, ba mũi vắc xin Pfizer đạt hiệu quả 73,2% bảo vệ trẻ đối với thể nhẹ, có triệu chứng do biến thể Omicron và các chủng phụ của nó. Hiệu quả của vắc xin thậm chí còn cao hơn khi bảo vệ khỏi bệnh nặng (nghiên cứu chưa đủ lớn để tính toán tỉ lệ % chính xác).

Đối với vắc xin Moderna, một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2-3 do Moderna thực hiện từ tháng 10-2021 đến tháng 2-2022 cho thấy hiệu quả của vắc xin chống lại COVID-19 sau liều 2 là 50,6%. Đặc biệt, chưa ghi nhận trường hợp trẻ mắc COVID-19 nghiêm trọng trong thử nghiệm này.

Cả hai loại vắc xin Moderna và Pfizer-BioNTech đều đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt cho sử dụng ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi.

Các nước tiêm chủng cho trẻ ra sao?

Sở Y tế TP.HCM cho biết một số nước đã bắt đầu tiêm chủng cho trẻ dưới 5 tuổi bao gồm Canada, Israel và Hoa Kỳ (tháng 6), với hơn 1 triệu trẻ em trong độ tuổi này đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin Moderna hoặc Pfizer. Tại Úc, vắc xin COVID-19 được khuyến cáo cho các trẻ dưới 5 tuổi thuộc nhóm nguy cơ.

Ngoài ra, ở các quốc gia, vùng lãnh thổ khác cũng tiêm chủng cho trẻ nhỏ với các loại vắc xin khác như: Trung Quốc (hơn 84 triệu liều vắc xin Sinopharm và Sinovac cho trẻ 3-11 tuổi), Hong Kong (phê duyệt vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ dưới 5 tuổi), Cuba sử dụng vắc xin Abdala, Soberana cho trẻ em từ 2 tuổi.